Doanh nghiệp Nhật Bản thấp thỏm với lãi suất tăng
Sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm đầu tuần này, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản bắt đầu tính toán cách để thích ứng.
Nhà kinh doanh lo ngại chi phí vay vốn tăng lên nhưng khách hàng chưa sẵn sàng đón nhận các mức giá cao hơn do tâm lý giảm phát đã ăn sâu trong nhiều thập niên.
Hôm 19-3, BoJ cho biết, kể từ ngày 21-3, sẽ áp dụng lãi suất 0,1% đối với số dư tài khoản vãng lai của các tổ chức tài chính tại BOJ. Đồng thời, BoJ định hướng lãi suất qua đêm duy trì ở mức khoảng 0-0,1. Trước đó, lãi suất qua đêm, được sử dụng trong hoạt động vay mượn trên thị trường liên ngân hàng, dao động ở mức từ – 0,1%-0%.
Ngay sau thông báo của BOJ, các ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, gồm Mitsubishi Bank và Sumitomo Mitsui tuyên bố tăng lãi suất tiền gửi thông thường bằng đồng yen từ 0,001% lên 0,02%/năm, mức lãi suất được nhìn thấy lần cuối vào năm 2016.
Tuy nhiên, các ngân hàng chưa tăng lãi suất cho vay thế chấp. Điều này có thể thay đổi nếu nếu BoJ tăng tiếp lãi suất trong thời gian tới. Theo dữ liệu của CEIC Data, lãi suất cho vay của các ngân hàng Nhật Bản đang ở mức trung bình 1,474%/năm. Trong khi đó, tính đến tháng 5-2023, lãi suất cho vay thế chấp cố định kỳ hạn 10 năm ở Nhật Bản chỉ là 3,16%. Khoảng 75% khoản vay thế chấp nhà ở Nhật Bản có lãi suất thả nổi được neo với lãi suất ngắn hạn của BoJ.
Lo chi phí vay vốn tốn kém hơn
Trong những năm tới, Satoaki Kanoh cần thay thế gần chục máy móc cũ kỹ tại nhà máy sản xuất tấm nhựa acrylic (mica) của ông ở Tokyo. Tuy nhiên, sau khi BoJ quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm, doanh nhân này lo chi phí cho kế hoạch này trở nên đắt đỏ hơn.
Kanoh cho biết, mỗi hệ thống máy có giá khoảng 50 triệu yen (330.000 đô la Mỹ). “Tốt nhất là tôi nên thay hết máy móc kỹ chỉ trong 1 năm nhưng tôi không có nhiều tiền để làm như vậy. Nếu phải trả lãi nhiều hơn để vay tiền của ngân hàng, chúng tôi có thể rơi vào tình thế thực sự khó khăn”, ông nói.
Động thái bãi bỏ chính sách lãi suất âm của BoJ phần lớn chỉ tính mang biểu tượng vì lãi suất hiện vẫn duy trì ở mức gần bằng 0. Tuy nhiên, điều này mở ra một môi trường kinh doanh mới mà Nhật Bản chưa từng thấy trong nhiều thập niên, đó là vay tiền sẽ tốn kém hơn.
Giờ đây, hàng triệu người Nhật Bản, từ chủ doanh nghiệp nhỏ như Kanoh đến người mua nhà lần đầu đang tính toán cách thích ứng với chi phí vay cao hơn sau những năm giảm phát kéo dài, với giá cả, tiền lương và chi phí vay vốn ít thay đổi. Cách mà những người này đối phó sẽ có tác động lớn đối với một nền kinh tế nơi các doanh nghiệp vừa nhỏ sử dụng 70% lực lượng lao động và tiêu dùng cá nhân chiếm hơn một nửa GDP.
Điều Kanoh lo lắng là tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Nếu lãi suất tăng quá nhiều và quá nhanh, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không thể thích ứng được.
Shinshi Co., công ty của Kanoh, hiện có khoản vay khoảng 100 triệu yen nhưng được tính lãi suất cố định. Ông cho biết, ngay cả đối với khoản vay nhỏ, khoảng 10 triệu yen, sự khác biệt giữa mức lãi suất 3% và 1% cũng rất đáng kể. Mức trả lãi hàng năm 3% của khoản vay này tương đương với mức lương hàng tháng của một nhân viên.
Các doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản từ lâu đã mắc kẹt trong tâm lý giảm phát nên tìm cách tích trữ tiền mặt và cắt giảm chi phí. Điều đó khiến nền kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn: tăng trưởng trì trệ dẫn đến tiền lương không tăng, giá cả tiêu dùng đứng im hoặc suy giảm và ngược lại.
Người dân Nhật Bản đã quen với một thế giới với mức lương trì trệ, tài khoản tiết kiệm không trả lãi và lãi suất của các khoản vay thế chấp không bao giờ quá khả năng chi trả. Tiền mặt dự trữ và tiền gửi tiết kiếm chiếm hơn 1 triệu tỉ yen (7,4 nghìn tỉ đô la Mỹ), tương đương 54,2% tổng tài sản tài chính hộ gia đình Nhật Bản tính đến tháng 3 năm ngoái. Tỷ lệ này cao hơn hẳn với 12,6% ở Mỹ và 35,5% ở khu vực sử dụng đồng euro.
Việc loại bỏ tâm lý giảm phát có thể khó khăn, ngay cả khi giá cả và tiền lương tăng lên. Trong khi các công ty lớn vừa tăng lương mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên, vẫn chưa rõ điều này có lan tỏa sang các doanh nghiệp nhỏ hay không.
Số doanh nghiệp phá sản dự báo tăng
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản dự báo lãi suất của BoJ sẽ tăng lên 0,25% vào cuối năm nay.
Lãi suất cao hơn sẽ giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp mắc nợ cao những vẫn có thể duy trì hoạt động nhờ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong nhiều thập niên. Tokyo Shoko Research ước tính, có khoảng 565.000 công ty ở Nhật Bản được xem là “thây ma”, tức lợi nhuận làm ra chỉ đủ trả nợ. Tổ chức này dự đoán, lãi suất tăng 0,1 điểm phần trăm sẽ khiến số công ty “thây ma” tăng thêm 12%, lên 632.000.
Điều đó có nghĩa là nhiều vụ phá sản có thể xảy ra trong những tháng tới. Số doanh nghiệp vỡ nợ ở Nhật Bản đã tăng 23 tháng liên tiếp, tăng 23% trong tháng 2 so với một năm trước đó. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% doanh nghiệp ở Nhật Bản, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Eiichi Hagiwara, chủ sở hữu công ty thiết kế thiết bị xử lý nước EN-TEC ở Tokyo, chi phí vay cao hơn có thể bào mòn lợi nhuận vốn đã “mỏng như dao cạo” của doanh nghiệp nhỏ. Điều đó có thể khiến Hagiwara gác bỏ những dự án lớn vì chúng cần những khoản vay để trả trước tiền mua vật liệu và các chi phí khác.
“Bây giờ, tôi không có hợp đồng nào có biên lợi nhuận lớn. Nếu không giảm giá, tôi sẽ không có việc để làm”, Hagiwara nói.
Nói chung, hiện tại, ông ưu tiên tích trữ tiền mặt để trang trải chi phí hoạt động. Doanh nhân này cũng dựa vào các kỹ năng mềm để duy trì các cơ hội kinh doanh như mời khách hàng đi ăn uống để củng cố mối quan hệ.
“Bạn phải đảm bảo thu lợi nhuận ở mức tối thiểu có thể. Nếu vay tiền và lãi suất tăng lên, bạn sẽ gặp rắc rối”.
Hagiwara chỉ một lần vay tiền với con số lớn,100 triệu yen vào khoảng 10 trước, để mua tòa nhà làm trụ sở công ty. Nhưng thông tin về khoản vay nhanh chóng rò rỉ ra bên ngoài, khiến các đối tác cũng như đối thủ cạnh tranh cho rằng EN-TEC đang gặp khó khăn.
Để tránh những hiểu lầm tai hại như vậy, Hagiwara quyết định trả lại đầy đủ số tiền trên chỉ trong vòng nửa năm kể từ khi vay.
Một số chủ doanh nghiệp ở Nhật Bản, đặc biệt là những người phụ thuộc vào nhập khẩu hy vọng lãi suất tăng cuối cùng sẽ ngăn chặn giá đồng yen giảm thêm. Tình trạng đồng yen bị bán tháo thường xuyên đã đẩy chi phí nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu của Nhật Bản tăng mạnh.
Đối với Yasunobu Tashiro, người điều hành một nhà hàng và một cửa hàng bán túi xách cũng như các mặt hàng nhập khẩu khác ở thị trấn suối nước nóng Kinugawa Onsen, đồng yen yếu là vấn đề gây đau đầu. “Chúng tôi kinh doanh hàng nhập khẩu. Vì vậy, đồng yen yếu khiến chúng tôi gặp khó khăn lớn”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận