Doanh nghiệp nhà nước với điệp khúc... thua lỗ
Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đang chìm trong thua lỗ cho thấy, bài toán hiệu quả chưa có lời giải.
Ðiệp khúc lỗ lặp lại
Là một trong những doanh nghiệp xây dựng công nghiệp lớn của ngành công thương nhận được nhiều ưu ái trong việc tham gia tổng thầu EPC nhiều công trình công nghiệp có quy mô lớn của ngành, song 3 năm trở lại đây, Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon, mã VVN) liên tiếp thua lỗ.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, báo cáo của Ban Kiểm soát Vinaincon cho biết, năm 2018, Công ty mới hoàn thành 77,5% kế hoạch doanh thu hợp nhất, tương ứng 3.251 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất trên 284 tỷ đồng. Trong đó, riêng Xi măng Quang Sơn - thành viên đóng góp lớn vào tổng doanh thu Công ty - lỗ 361 tỷ đồng.
Năm 2019, Vinaincon đặt mục tiêu lỗ tiếp gần 95 tỷ đồng do Xi măng Quang Sơn dự kiến tiếp tục thua lỗ. Về doanh thu, Vinaincon dự kiến đạt 4.150 tỷ đồng, trong đó gần 1.170 tỷ đồng là từ Xi măng Quang Sơn. Ngoài ra, Vinaincon còn đang đối mặt với sai phạm trong việc chuyển nhượng thầu tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên theo kết luận gần đây của Thanh tra Chính phủ.
Tương tự, Nhà máy Ðạm Ninh Bình - một "điểm nóng" nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ ngành công thương thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - vẫn đang ngập chìm trong khó khăn để duy trì sản xuất với mục tiêu giảm lỗ.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, tính đến cuối quý II/2019, Ðạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 135,8 tỷ đồng, giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HÐTV Vinachem cho biết, tình hình của doanh nghiệp đang hết sức căng thẳng, có thể phá sản bất cứ lúc nào do không có vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh khi bị các ngân hàng thương mại siết chặt điều kiện và phương thức cho vay.
Giải pháp nào cho bài toán hiệu quả?
Ðánh giá về tình trạng hoạt động kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dù nỗ lực tái cơ cấu, song nhìn chung đến nay hoạt động của khối này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đã đề ra, xét cả về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư lẫn năng suất.
“Tốc độ tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh), làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước vẫn chủ yếu dựa vào thâm dụng vốn, đất đai và nhân lực, trong khi giá trị gia tăng không tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chưa kể tình trạng thua lỗ triền miên của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, khiến hiệu quả hoạt động của khu vực này chưa được cải thiện”, ông Cung nói.
Thực tế cũng cho thấy, những doanh nghiệp tạo ra phần lớn lợi nhuận và giá trị gia tăng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước cơ bản là hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên như khai khoáng hoặc những ngành, lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối thị trường như viễn thông, năng lượng. Còn ở các ngành có tính cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo… thì hiệu quả kinh doanh còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh đã bộc lộ hạn chế về kinh doanh của khu vực này.
Trên bình diện sản xuất kinh doanh, năng lực hạ giá thành, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực, nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản... là bất cập đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để, từ đó làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động.
Theo TS. Trần Tiến Cường, Chuyên gia kinh tế, để nâng cao hiệu quả thực chất của khối doanh nghiệp nhà nước, cũng như hiệu quả tái cơ cấu khối này, cần xem lại cách tiếp cận theo quan điểm cơ cấu lại nguồn lực đầu tư đối với các doanh nghiệp, đồng thời áp dụng các giải pháp mạnh như tăng cường việc giám sát, kiểm toán của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước; tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo các vấn đề của doanh nghiệp.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, cần đẩy nhanh rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. Ðồng thời, tiếp tục rà soát hệ thống các doanh nghiệp nhà nước, tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội; duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sau tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận