24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp ngành dệt may có nhiều thuận lợi để bứt phá sau đại dịch

Ngành dệt may Việt Nam đang được hưởng lợi từ những bất ổn địa chính trị trên thế giới, cũng như nhờ việc Việt Nam đã mở cửa trở lại.

Tại chương trình Bí mật đồng tiền ngày 25/5, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI chia sẻ khi Việt Nam mở cửa trở lại giúp một số sản phẩm có sức tiêu thụ tăng trưởng rất mạnh, ví dụ ngành dệt may như áo vest hay sơ mi. Lý do là khi làm việc ở nhà thì sẽ không có ai sử dụng đến những sản phầm này. Khi hết giãn cách xã hội, các mặt hàng trên đều bán được rất chạy, từ đó đóng góp vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong ngành.

Trên thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 5 xuất khẩu ngành hàng dệt may đã đem về cho Việt Nam gần 15 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và cũng là 1 trong 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD.

Trả lời báo Pháp luật TP HCM về nguyên nhân của sự khởi sắc của ngành dệt may trong những tháng đầu năm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất là Trung Quốc đã thực hiện chính sách Zero - Covid nên đây cũng là một thuận lợi để dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng khi đón nhận sự chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ hai là với 14 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là hiệp định RCEP cũng bắt đầu có hiệu lực, đây chính là động lực để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, cơ cấu lại thị trường. Thứ ba là chính sách của Việt Nam kịp thời và đúng đắn, đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine, mở cửa thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa tổ chức sản xuất...

Còn theo Chứng khoán BIDV (BSC), hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng đến quý II, thậm chí sang quý III. Đơn vị này cũng cho rằng rằng các thương hiệu thời trang có thể lạc quan về triển vọng bán hàng khi nhu cầu mua sắm sau đại dịch tiếp tục tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam tiếp diễn sẽ đảm bảo giá trị đơn hàng tăng trưởng tích cực trong năm nay.

Trong bối cảnh khả quan của ngành, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong tháng 4 và quý I cũng như dự báo về tăng trưởng của ngành trong năm nay. Lãnh đạo của các công ty trong ngành đều cho rằng thị trường dệt may Việt Nam đang được hưởng lợi từ các biến động địa chính trị trên thế giới, ví dụ như chính sách Zero - Covid của Trung Quốc.

Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) đã ghi nhận doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 64,3 triệu USD (1.487 tỷ đồng), tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 3,8 triệu USD, tăng 14%. Sản phẩm của Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ với tỷ trọng 50% (Mỹ 33,3% và Canada 16,7%), tiếp đến châu Á đạt 43,8% (chủ yếu Hàn Quốc và Nhật Bản).

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Thành Công cho biết cơ hội cho dệt may Việt Nam nói chung là hiện Trung Quốc đang tập trung ưu tiên các sản phẩm cao cấp, nên các sản phẩm thấp hơn được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Sri Lanka bị vỡ nợ nên những đơn hàng sẽ được chuyển sang Việt Nam. Thành Công đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay. Tình hình đơn hàng ổn định do các thị trường phục hồi.

Trong tháng 4, một doanh nghiệp dệt may khác cũng có kết quả khả quan là Dệt may TNG (HNX: TNG). Cụ thể, công ty này đã ghi nhận doanh thu 1.815 tỷ đồng, tăng 42,4% và lãi sau thuế 56 tỷ đồng, tăng 65,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, các doanh nghiệp ngành dệt may khác cũng ghi nhận những kết quả tích cực.

screenshot-2022-06-10-170653-1-4302-2260 data-natural-width640

Ông lớn trong ngành là tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, tăng 45%. Công ty cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Ban Tổng giám đốc Vinatex lý giải trong quý, nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm trước, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã có được đơn hàng với giá bán tốt. Đồng thời, dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những chính sách như dự trữ được lượng bông lớn giá thành rẻ, từ đó thu được kết quả tích cực. Ngoài ra, đầu năm, các đơn vị may trong tập đoàn cũng mang lại những kết quả rất tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị may đã ổn định lao động, ổn định sản xuất với đơn hàng gia tăng.

Tại báo cáo thường niên 2021, HĐQT nhận định hầu hết các quốc gia đều mở cửa trở lại bất chấp dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn (trừ Trung Quốc) giúp chuỗi sản xuất và thương mại dệt may gần như trở lại trạng thái bình thường trước dịch với các đơn hàng sản xuất dài hạn hơn. Dệt may Việt Nam tiếp tục có cơ hội mở rộng thị trường với các FTA trong đó RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1. Ngành dệt may Trung Quốc đang hướng đến sản xuất bền vững, phát triển chiều sâu hơn là mở rộng sản xuất. Vì vậy, nước này sẽ dịch chuyển sản xuất hoặc tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô như sợi và giảm sản xuất các mặt hàng dệt may ít giá trị gia tăng tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam. Đồng thời, dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội trở thành điểm cung ứng dệt may thay thế khi người mua dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu 640 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 76,3 tỷ đồng, tăng 9%. Công ty đã đẩy mạnh hoạt động nhận đơn hàng, sản xuất đơn hàng theo yêu cầu, đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá bán trong quý vừa qua.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch Sợi Thế Kỷ cũng có những giá tình hình hiện nay giống như Vinatex. Chính sách Zero - Covid của Trung Quốc là một lợi thế lớn cho Việt Nam. Một số khách hàng quốc tế sẽ tìm đến Việt Nam hoặc các thị trường ở Đông Nam Á khác để tìm nguồn cung thay thế vì họ không biết chắc tình hình phong tỏa ở Trung Quốc sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.

Các công ty trong ngành còn lại là May 10 (UPCoM: M10), Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM), Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) và May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG) đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, có thể tính bằng lần với các mức lần lượt là 21,2%, 196% , 246% và 207,8%.

Trong các công ty được thống kê, duy chỉ có May Sông Hồng (HoSE: MSH) có mức lợi nhuận giảm khoảng 11% còn 82 tỷ đồng. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch May Sông Hồng cho biết chi phí tăng cao của nhiều nguyên liệu đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh những tháng đầu năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả