menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Thị Lâm Oanh

Doanh nghiệp ngành cơ khí: Nỗ lực cạnh tranh ngay trên sân nhà

Trước những khó khăn thực tại của ngành cơ khí, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp nhất thiết phải có "lực đẩy" của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định để doanh nghiệp cơ khí phát triển bền vững.

Việt Nam đang có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp cơ khí, chiếm 30% số doanh nghiệp chế biến chế tạo và đang từng bước làm chủ công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo đại diện Bộ Công thương, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt 310 tỷ USD, nhất là cơ khí ô tô. Nhưng thực tế ngành cơ khí trong nước chỉ đáp ứng được 1/3, chính vì vậy cần có những chính sách linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trong những năm gần đây, ngành cơ khí cũng đang có sự phát triển theo hướng hiện đại.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2021 tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong lĩnh vực cơ khí cũng đã đóng góp mạnh mẽ vào thị trường. Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam đang tập trung vào các thế mạnh như xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Hiện nay, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Bên cạnh những thành tựu về chế tạo thiết bị thủy công, chế tạo giàn khoan dầu khí, thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại, cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách… Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ôtô như Vinfast, Thành Công, Thaco…

Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngay tại thị trường trong nước, ngành cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm. Những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà.

Hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng đang khiến cho các doanh nghiệp ngành cơ khí lâm vào tình cảnh khó khăn hơn. Đơn hàng cho các doanh nghiệp bị giảm, việc mua bán vật tư thiết bị bị kéo dài thời gian, tăng cước vận chuyển khoảng trên 30%. Với các sản phẩm xuất khẩu, thủ tục xuất cảnh cho các chuyên gia đi lắp đặt, bàn giao sản phẩm mất nhiều thời thời gian, tốn thêm kinh phí… Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành của Chính phủ do nhiều lý do mà các doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận.

Trước những khó khăn thực tại của ngành cơ khí, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp nhất thiết phải có "lực đẩy" của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định để doanh nghiệp cơ khí phát triển bền vững. VAMI cũng đã có những kiến nghị lên Chính phủ nhằm có những chính sách phù hợp thúc đẩy ngành cơ khí trong thời gian tới.

Theo đó, cần có các chính sách khuyến khích sản xuất một số nguyên vật liệu cho ngành cơ khí chế tạo mà Việt Nam đang phụ thuộc nước ngoài. Tạo đơn hàng từ các dự án trong nước như các dự án cần bóc tách phần trong nước có thể thực hiện để đấu thầu trong nước cho cả phần đầu tư công và chủ đầu tư tư nhân trong nước. Tiếp tục hỗ trợ thuế trước bạ để phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp phụ trợ. Đồng thời trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cần giảm các điều kiện đã ban hành để gói hỗ trợ có thể đến được tay doanh nghiệp và phát huy hiệu quả; giãn thuế, giảm thuế, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ việc nội địa hóa đặc biệt trong Luật Đấu thầu; có chính sách hỗ trợ DNNVV đặc biệt là việc tạo điều kiện cho các DNNVV có được đất đai xây dựng nhà máy...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả