Doanh nghiệp Mỹ, Trung chuẩn bị cho chiến tranh thương mại kéo dài
Việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế cao đối với hàng hóa của nhau đã và đang làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu; doanh nghiệp hai nước chuẩn bị cho chiến tranh thương mại kéo dài, Nikkei Asian Review đưa tin.
Theo tính toán của báo chí Nhật Bản dựa trên thống kê của Mỹ và Trung Quốc, chiến tranh thương mại giữa hai nước một năm qua khiến xuất khẩu của mỗi nước giảm trên dưới 20 tỷ USD.
Xung đột thương mại bắt đầu ngày 6/7/2018 khi Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này dẫn tới việc trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cụ thể là họ liên tục tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của đối phương. Dù hai bên đã nối lại đàm phán thương mại, nhưng họ vẫn chưa đồng thuận về các vấn đề chính, trong đó có việc đối xử với Huawei.
Một năm qua, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ (sản phẩm bị áp thuế cao) giảm 14%, tức giảm 18 tỷ USD, tương ứng với 3% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Trung Quốc sang Mỹ.
Mỹ còn bị thiệt hại nặng hơn khi xuất khẩu sang Trung Quốc (sản phẩm bị áp thuế cao) giảm 38%, tức giảm 23 tỷ USD, tương đương 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Mỹ sang Trung Quốc.
Mức thuế cao (tối đa 25%) hiện áp dụng với gần một nửa hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc và 70% hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ.
Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc bắt đầu giảm sau khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với sản phẩm Mỹ. Tính đến cuối năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm gần 4 tỷ USD so với 12 tháng trước đó. Xuất khẩu của Trung Quốc sang toàn bộ khu vực Thái Bình Dương không giảm ngay nhưng đến đầu năm 2019 mức giảm cũng vượt mốc 4 tỷ USD.
Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng
Mức giảm và sự chênh lệch về mức giảm kim ngạch xuất khẩu là do sự khác biệt về chủng loại hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc xuất khẩu sang nhau, theo Gary Clyde Hufbauer, nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (trụ sở ở Washington).
Bắc Kinh áp thuế cao chủ yếu lên các mặt hàng nông sản và nhiên liệu hóa thạch của Mỹ mà Trung Quốc có thể dễ dàng mua được từ các nước khác, ông Hufbauer nói. Ngược lại, nhiều mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thuộc dạng sản phẩm ngách nên các nước khác không dễ cung ứng với giá thấp tương tự.
Trong đợt áp thuế cao đầu tiên, Bắc Kinh chủ yếu nhằm vào nông sản và thủy sản Mỹ. Trong khi đó, đòn đánh của Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ yếu nhằm vào hàng công nghiệp chuyên dụng như van giảm áp, cáp điện, chip điện tử (IC), cầu chì… Hàng trung gian của Trung Quốc được tích hợp vào các chuỗi cung ứng đối với hầu hết sản phẩm công nghiệp.
Các nguyên liệu đôi lúc được vận chuyển tới nước này nước khác khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước khi chúng đến tay người sử dụng cuối cùng. Nhà sản xuất hóa chất quy mô lớn của Mỹ, Eastman Chemical, xuất khẩu sang Trung Quốc các nguyên liệu đặc biệt (keo chuyên dụng) để làm bàn ăn bằng nhựa không nứt nẻ. Tại Trung Quốc, các nguyên liệu này được dùng để làm ra đĩa và các sản phẩm khác rồi xuất khẩu về Mỹ. Vì chuỗi cung ứng các loại keo chuyên dụng có độ chuyên biệt hóa cao nên không thể sớm tái tổ chức chuỗi cung ứng này được, giám đốc điều hành của Eastman Chemical, ông Mark Costa, nói.
Hơn 50 tập đoàn đa quốc gia chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc
Hiện giờ, mức thuế cao vẫn được duy trì nên các nhà xuất khẩu ở cả Mỹ và Trung Quốc chịu áp lực phải tránh thuế cao và giữ cho chi phí không tăng.
Paul Arling, giám đốc điều hành của Universal Electronics (Mỹ), cho biết công ty ông chuyên sản xuất điều khiển từ xa cho TV và các sản phẩm khác ở Trung Quốc, nhưng vừa phải chuyển một nửa dây chuyền sản xuất sang nhà máy ở Mexico vào cuối tháng 6.
Các công ty ban đầu chỉ nghe ngóng tình hình giờ đã bắt đầu tái tổ chức chuỗi cung ứng của họ, Gerry Mattios, phó chủ tịch công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ), nói.
Hơn 50 tập đoàn đa quốc gia, từ Apple, Dell tới Nintendo, đang và sẽ chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế cao mà Mỹ áp đặt với hàng xuất từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất máy tính cá nhân của Mỹ như HP và Dell có thể chuyển tới 30% sản xuất notebook ở Trung Quốc sang Đông Nam Á. Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp của mình đánh giá chi phí chuyển 15-30% năng lực sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Nintendo có kế hoạch chuyển một phần sản xuất thiết bị chơi video game từ Trung Quốc sang Việt Nam, Nikkei đưa tin.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Hãng điện tử Trung Quốc Goertek (lắp ráp AirPods của Apple) đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở miền bắc Việt Nam với mức đầu tư 260 triệu USD. Hãng điện tử TCL cũng nhắm vào thị trường Việt Nam, trong khi nhà sản xuất lốp xe Sailun Tire của Trung Quốc có kế hoạch chuyển dây chuyền sang Thái Lan.
Chiến tranh thương mại kéo dài có vẻ đang tác động tới kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 2 năm nay chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong 27 năm qua.
Trong khi đó, một số quốc gia cảm thấy lo ngại bị cuốn vào vòng xoáy thuế nhập khẩu. Hồi tháng 5, Francisco Turra, chủ tịch Hiệp hội Đạm động vật của Brazil, nhận được điện thoại của Đại sứ quán Ảrập Xêút. Người gọi bảo ông Turra rằng, chính phủ Ảrập Xêút đang lo xuất khẩu từ Brazil sang Ảrập Xêút có thể giảm vì Brazil đang nhanh chóng tăng mạnh xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc.
Từ tháng 7 năm ngoái tới tháng 4 năm nay, xuất khẩu đậu tương và các loại hạt có dầu khác của Brazil sang Trung Quốc tăng 48% và xuất khẩu của Canada tăng 52%.
Một số chuyên gia dự đoán Brazil sẽ dành thêm 130.000 km2 đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu đậu tương của Trung Quốc.
Trong khi xuất khẩu nhiên liệu (bao gồm LPG) của Mỹ giảm hơn 50% sau khi Trung Quốc áp thuế 25%, xuất khẩu nhiên liệu của Ảrập Xêút tăng 51% và của Nga tăng 40%.
Trong khi Washington và Bắc Kinh ăn miếng trả miếng, nhiều nước có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều nước nông nghiệp đang muốn tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khổng lồ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận