Doanh nghiệp Mỹ ‘đau đầu’ do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Trung Quốc
Cuộc chạy đua ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới (nCoV) gây viêm phổi cấp ở Trung Quốc đang đe dọa cắt đứt nguồn cung linh kiện và nguyên vật liệu mà nhiều công ty Mỹ cần để sản xuất iPhone, ô tô, đồ điện gia dụng, thiết bị y tế và thuốc men điều trị các căn bệnh như Alzheimer’s, cao huyết áp, sốt rét...
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch nCoV
Từ lâu, nhiều nhà sản xuất nổi tiếng nhất nước Mỹ như General Electric, Caterpillar, 3 hãng xe General Motors, Ford, Fiat Chrysler cùng nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn phụ thuộc vào linh kiện và nguyên vật liệu đầu vào được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc.
Giờ đây, họ đang đối mặt với nguy cơ chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn khi nhiều nhà máy tại đây vẫn chưa được phép hoạt động trở lại cho đến ít nhất là ngày 10-2 để ngăn ngừa dịch nCoV. Các hãng hàng không lớn ở Mỹ và châu Âu tạm dừng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách đến Trung Quốc trong thời gian có thể dài đến hai tháng.
Dịch bệnh khiến Trung Quốc tạm thời bị cô lập với thế giới và tình trạng này vẫn chưa biết sẽ kéo dài bao lâu.
Các nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng bao gồm Apple có nguy cơ chịu tổn thương lớn nhất vì phần lớn máy chơi game, điện thoại di động (smartphone) và máy tính bảng đều được họ gia công sản xuất tại Trung Quốc. Hôm 1-2, Apple thông báo đóng cửa tất cả các văn phòng và 42 cửa hàng bán lẻ tại nước này, nơi đóng góp 44 tỉ đô la Mỹ doanh thu cho hãng này vào năm ngoái.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, cho biết các nhà cung cấp của hãng tại Trung Quốc sẽ tạm ngưng hoạt động cho đến ngày 10-2.
“Mối lo ngại lớn nhất là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu dừng hoạt động”, Patrick Chovanec, Giám đốc điều hành ở Công ty Silvercrest Asset Management tại New York, nói.
Hầu hết chuyên gia kinh tế ở Phố Wall cho rằng tổn thất kinh tế toàn cầu do dịch nCoV sẽ ở mức hạn chế. Các nhà kinh tế ở Ngân hàng JPMorgan Chase cắt giảm tăng trưởng toàn cầu trong quí 1 này 0,3 điểm phần trăm về mức 2,3%. Họ dự báo đến giữa năm nay, đà phục hồi tăng trưởng nhanh chóng sẽ đưa nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu quay trở lại xu hướng vốn có trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm phổi cấp.
Dự báo lạc quan này một phần dựa vào dữ liệu lịch sử cho thấy kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp nặng) vào năm 2003. Nhưng không ai dám chắc dịch nCoV sẽ có diễn tiến tương tự như dịch SARS. Có những dấu hiệu cho thấy dịch nCoV gây tử vong ở mức độ thấp hơn so với dịch SARS nhưng lại lây lan nhanh hơn.
Với quy mô 14.000 tỉ đô la Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 4 lần so với cách đây 17 năm và cũng hội nhập với kinh tế toàn cầu sâu rộng hơn. Khoảng 150 triệu du khách và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đi ra nước ngoài bằng đường hàng không vào năm 2018, cao gấp 7 lần so với năm 2003. Ngoài ra, hiện nay, số tàu container vận chuyển hàng hóa đi đến các cảng khắp toàn cầu cũng đã tăng gần gấp 3 so với năm 2003, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.
Các công ty Mỹ lo lắng
Công ty pháo hoa Phantom Fireworks ở Youngstown, bang Ohio, đang lo ngại thời gian ngưng sản xuất kéo dài của một nhà cung cấp tại Trung Quốc, có thể khiến công ty này không nhập đủ lượng hàng dự trữ đầy đủ để chuẩn bị bán trong dịp lễ Quốc khánh Mỹ (4-7).
Nhà cung cấp của Phantom Fireworks có nhà máy sản xuất pháo hoa tại TP. Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, cách TP. Vũ Hán 320km, dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 10-2. Song các lãnh đạo của Phantom Fireworks dự báo thời gian đóng cửa của nhà máy có thể kéo dài thêm ít nhất một tuần, thậm chí vài tuần nữa.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng đã đóng cửa cảng Bắc Hải ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cắt đứt một tuyến xuất khẩu quan trọng của nước này.
“Chúng tôi đang trong tình thế rất nguy ngập, chắc chắn là như thế”, Alan Zoldan, Phó Chủ tịch Phantom Fireworks, nói.
Ba hãng hàng không lớn của Mỹ gồm American Airlines, United Airlines, Delta Airlines đã tạm dừng bay đến Trung Quốc cho đến tháng 3. Điều này có nghĩa là số chuyến bay vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không xuyên Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ bị hạn chế ít nhất trong hai tháng cho dù các nhà máy Trung Quốc có thể trở lại hoạt động bình thường sớm hơn. Trong khi đó, hãng chuyển phát nhanh FedEx (Mỹ) cho biết sẽ tiếp tục bay đến Trung Quốc.
Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cho biết một số công ty Mỹ đang lên các kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho kịch bản tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc kéo dài đến tháng 4 hoặc tháng 5.
Hãng General Electric là trong những công ty Mỹ phụ thuộc lớn vào nguồn cung linh kiện ở các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất các máy chụp CT, chụp X quang, máy siêu âm, máy hệ thống bơm ở các mỏ dầu, linh kiện động cơ máy bay... Một số linh kiện đó khó có thể sẵn sàng gia công sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Tìm kiếm sự thay thế cho các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ không dễ dàng. Hãng dược phẩm Prinston Pharmaceuticals ở Cranbury, bang New Jersey, đang phụ thuộc các thành phần dược chất từ Trung Quốc để sản xuất thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, Alzheimer’s và trầm cảm. Hãng cho biết nhà máy ở Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận để sản xuất thuốc Coartem (điều trị bệnh sốt rét).
Hãng sản xuất linh kiện điện tử AVX ở Fountain Inn, bang South Carolina, cũng có thể bị dịch nCoV gây ảnh hưởng vì đang gia công sản xuất các tụ điện gốm tại các nhà máy ở Thiên Tân và Thâm Quyến, bán cho các khách hàng ở Mỹ sử dụng trong các bảng mạch ô tô, lò vi sóng, máy giặt, tivi...
Chính quyền TP. Thiên Tân đã yêu cầu các trường học và công ty ở các lĩnh vực không thiết yếu tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Thâm Quyến sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 9-2.
Tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thời gian ngưng sản xuất kéo dài bao lâu nhưng điều này vẫn chưa rõ vì còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch nCoV.
“Chúng tôi cho rằng tình trạng xáo trộn của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất đến cuối tháng 2 và có thể kéo dài sang giữa tháng 3”, Sebastien Breteau, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chuỗi cung ứng QIMA, nhận định.
Hơn 450 nhà nhập khẩu Mỹ đang dựa vào các nhà cung cấp ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch nCoV, theo Công ty dữ liệu thương mại toàn cầu Panjiva.
Chris Rogers, chuyên gia chuỗi cung ứng của Panjiva, cho biết các nhà sản xuất điện tử ở Mỹ phụ thuộc các nhà cung cấp ở Trung Quốc đến 50% nguồn cung linh kiện. Trong khi đó, 15% linh kiện của các hãng ô tô Mỹ do các công ty Trung Quốc cung cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận