Doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm
8 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng Quỹ Hưu trí tử tuất từ 22% xuống 16-20% nhưng nâng nền tiền đóng lên 70-90% sát thu nhập thực tế của lao động.
Trong văn bản góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Dệt may, Da giày - Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP HCM cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam ở mức cao.
Cụ thể, luật hiện hành quy định tỷ lệ đóng 22% vào Quỹ Hưu trí tử tuất (lao động đóng 8%, chủ sử dụng 14%); 3% vào Quỹ Ốm đau và thai sản. Trong khi các nước cùng khu vực có tỷ lệ đóng thấp hơn, như Malaysia 13%; Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5% và Myanmar 2%.
Phân tích hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH như dự thảo đề xuất, các hiệp hội cho rằng nếu giữ nguyên như hiện hành (tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động) sẽ giảm bớt áp lực cho lao động lẫn doanh nghiệp nhưng lại tạo ra khoảng cách thu nhập lẫn căn cứ đóng, khiến lương hưu sau này rất chênh lệch.
Ngược lại, chọn phương án hai (tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước khi ký hợp đồng lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động) thì tiền đóng sát với lương thực tế lao động được nhận, nhưng làm giảm thu nhập của họ và gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, 8 hiệp hội cùng đề xuất hai phương án điều chỉnh tiền lương tính đóng BHXH theo hướng giảm tỷ lệ nhưng nâng nền đóng sát với thu nhập thực tế lao động.
Phương án một, đưa tỷ lệ đóng về mức 20% như năm 2009, trong đó lao động 5% và giới chủ đóng 15%. Nền đóng không dựa trên đầu vào gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng mà căn cứ vào đầu ra, tức trên 70% thu nhập thực tế của lao động. Cách này sát thực tiễn, đảm bảo người thu nhập cao đóng nhiều, thu nhập thấp đóng ít.
Phương án hai, tỷ lệ đóng giảm xuống còn 16%, trong đó lao động 4% và giới chủ 12%. Nền đóng căn cứ trên thu nhập thực tế, chiếm khoảng 90%, trừ một số khoản không có tính chất lương.
Theo các hiệp hội, chọn phương án nào cũng đều khắc phục được bất cập của tỷ lệ đóng và nền đóng theo luật hiện hành. Nguồn thu BHXH sẽ không giảm, thu nhập lẫn lương hưu của lao động không quá cách biệt và loại trừ được yếu tố thỏa thuận của đôi bên. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể quy định thấp hơn mức 75% nhưng tiền lương thực lĩnh của lao động cao hơn.
Doanh nghiệp đề xuất thêm ban soạn thảo cần ra quy định rõ ràng về các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng luật có hiệu lực, mỗi bên hiểu khác nhau khiến việc chấp hành bị ảnh hưởng tiêu cực.
Góp ý cho dự thảo trước đó, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cũng đề xuất sửa khoản tính đóng BHXH bằng ít nhất 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của lao động. Chính phủ sẽ quy định chi tiết khoản này.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ ra trong doanh nghiệp luôn tồn tại ba loại thu nhập của người lao động: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và loại trả cho người lao động. Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm.
Thống kê năm 2021, bình quân tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gần 5,7 triệu đồng, tăng 13% so với mức 4,3 triệu vào năm 2016, chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu. Tiền lương đóng BHXH thấp ảnh hưởng trực tiếp đến lương hưu của lao động khi về già. Bởi mức lương hưu của lao động khu vực doanh nghiệp được tính toán dựa trên bình quân tiền đóng BHXH toàn bộ quá trình tham gia.
Thông tư 59 năm 2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội quy định phụ cấp lương là khoản bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất công việc, điều kiện sinh hoạt mà hợp đồng chưa tính tới, gồm phụ cấp chức vụ, chức danh; trách nhiệm; nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thâm niên; khu vực; phụ cấp lưu động, thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản phúc lợi không tính đóng BHXH gồm: Tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi lao động có thân nhân kết hôn, qua đời, tiền sinh nhật, trợ cấp khó khăn khi tai nạn lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận