Doanh nghiệp mong được nới điều kiện vay vốn
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được nới điều kiện cho vay, trong khi đó, ngân hàng cho rằng câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp thế nào, có hạ chuẩn cho vay hay không cần có một bài toán tổng hợp, cần một cơ quan cao hơn là Chính phủ đưa ra một chính sách tổng thể.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc thực thi chính sách chưa sát thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương trong việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình là chính sách vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo tìm hiểu, hiện nay 16 ngân hàng thương mại cam kết dành 24.613 tỷ đồng để giảm lãi suất cho khách hàng trong thời gian giãn cách, đồng thời nhiều gói hỗ trợ riêng biệt của các ngân hàng cũng đang được triển khai song song.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ 15/7 - 31/8/2021, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách vay đạt 8.865 tỷ đồng, tương đương hơn 43% kế hoạch. Trong khi đó, còn hàng nghìn doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn vẫn chưa được duyệt.
Theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, với những doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất 3 tại chỗ rất cần vay vốn ưu đãi để trả lương và trợ cấp cho người lao động.
“Chi phí cho người lao động cần làm cho nhanh, bây giờ đối với họ 100.000 đồng hay tiền triệu cũng quan trọng lắm, để họ an tâm làm việc. Tuy nhiên, hiện nay để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu do hồ sơ thủ tục phức tạp, thậm chí sau thời gian dài chờ đợi doanh nghiệp cũng không vay được vốn”, ông Việt Anh cho hay.
Chia sẻ thêm, ông nói: "Vấn đề mong mỏi của doanh nghiệp hiện nay khi xem xét cho doanh nghiệp vay nợ, ngân hàng không nên tính các khoản nợ cũ đang được hoãn, giãn nợ thành nợ xấu. Như vậy, thì doanh nghiệp mới vay được vốn để duy trì hoạt động".
Kiến nghị của ông Việt Anh cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện nay. Từ đó cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị trong chính sách hỗ trợ sắp tới, Chính phủ và các bộ, ngành chú trọng nhiều hơn vào các cuộc trao đổi, tham vấn, tìm ra giải pháp mang tính dài hơn hơn, nhận diện xu hướng trong bối cảnh đại dịch từ đó có hành động phù hợp. Chẳng hạn như gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng sắp tới nếu không có cơ chế bảo lãnh tín dụng thì chính sách khó có tính lan tỏa.
Từ những kiến nghị này, các chuyên gia đặt vấn đề: Tình hình kinh tế như hiện nay, nợ bình thường còn khó thu hồi, vậy nợ xấu làm sao thu được? Ngân hàng muốn chia sẻ, nhưng vi phạm luật thì ai chịu trách nhiệm? Ngân hàng không thể vượt quy định và các điều kiện, thủ tục cần phải theo đúng quy chế.
“Doanh nghiệp có khả năng sản xuất, nhưng không có khả năng để đi vay, vậy cần có cơ chế để cho vay, chứ không thể ép các ngân hàng phải cho vay. Các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng để cho vay, bởi bản thân họ cũng là doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận