Doanh nghiệp mong chờ thực thi hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế
“Cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh tốt hơn, lành mạnh hơn, công bằng, bình đẳng hơn là vấn đề mà các doanh nghiệp rất mong chờ”.
Cơ hội phục hồi mạnh mẽ
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350.000 tỷ đồng, với mức độ bao phủ toàn diện từ phòng chống dịch bệnh, đến tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng, cải cách thể chế,... và được kỳ vọng là “cú hích” cho nền kinh tế sau đại dịch.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính đánh giá, gói hỗ trợ lần này là một gói bổ sung ngoài khuôn khổ chính sách tài chính tiền tệ, đã được Quốc hội và Chính phủ đưa ra trong thời gian năm 2022, cũng như cho giai đoạn 2021- 2025 nói chung. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta chấp nhận bội chi lớn, chấp nhận rủi ro do tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên thu ngân sách Nhà nước có thể lớn hơn 25%. Nó cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế hồi phục và phát triển trong tương lai. Đồng thời thể hiện mong muốn các doanh nghiệp trong nền kinh tế hãy tự vượt lên chính mình, để có thể đạt được hiệu quả cao hơn trong giai đoạn phục hồi.
“Có thể thấy, muốn sống chung với đại dịch COVID-19, thì việc bổ sung một lượng tài chính tiền tệ để xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho ngành y tế trở thành một trong những việc cấp bách và cần thiết đầu tiên.
Nói về các kỳ vọng, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng hy vọng rằng, chương trình sẽ giải quyết được việc chung sống một cách tốt nhất với dịch bệnh trong toàn xã hội. Cùng với đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội nói chung, giúp việc tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới tốt hơn, từ đó, nền kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng từ 6-6,5% như Chính phủ và Quốc hội đề ra. Thậm chí có thể đạt được cao hơn kỳ vọng là từ 7-7,5% trong năm 2022. Đây sẽ là tiền đề cho những bước tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt được tăng trưởng tốt nhất.
Thực tế, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ lần này đã tính đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước, vì vậy có thể nói, gói hỗ trợ này là đủ lớn, đủ sức phục hồi nền kinh tế. Song, điều mà các Đại biểu quan tâm và cần xem xét kỹ lưỡng là đối tượng nào được hỗ trợ, tổ chức thực hiện, đánh giá ra sao để đúng đối tượng, đúng tiêu chí.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho ý kiến: “Sản xuất kinh doanh đứt gãy ở chỗ nào, thì chúng ta tập trung nguồn lực vào chỗ đó, sản xuất ra sản phẩm, nhưng lại phải làm sao để hàng hóa được tiêu thụ trên thị trường trong nước, cũng như quốc tế. Trong tình huống chưa lưu thông được, thì phải có hỗ trợ đối với logistics để bảo quản được hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản”.
Giải pháp thực thi hiệu quả
Ở góc độ của chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết một số băn khoăn về gói hỗ trợ này như: Thứ nhất, có một số vấn đề cần phải quan tâm như việc xem xét huy động nguồn lực, cách thức như thế nào để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp tốt nhất.
Trong tình huống chưa lưu thông được hàng hoá, thì phải có chính sách hỗ trợ đối với logistics, để bảo quản được hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản (ảnh minh hoạ)
“Để cân đối nguồn lực thực thi, chúng tôi cho rằng điểm chính của gói hỗ trợ này phải hướng vào giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, cũng như miễn giảm các loại phí, lệ phí. Đặc biệt, phải hướng đến việc làm sao cho chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được giảm thiểu, bằng việc thống nhất các quy định, hình thức sống chung với đại dịch, giảm đến mức tối đa các chi phí về kiểm dịch, phòng chống dịch và làm sao để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với vật tư, thiết bị y tế một cách chính thống, đảm bảo chất lượng, nhưng với giá cả hợp lý”, PGS nói.
Thời gian vừa qua, chi phí phòng chống dịch của các doanh nghiệp rất lớn, nhiều doanh nghiệp phải mua những vật tư thiết bị y tế với giá đắt đỏ, nhưng chất lượng lại không tương xứng. Bên cạnh đó, cách kiểm tra trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa với rất nhiều doanh nghiệp bị ách tắc từ khâu cửa khẩu, cho đến cảng biển và qua từng địa phương... Những yếu tố này cũng làm chi phí sản xuất kinh doanh đội giá. Phần thứ năm của chương trình phục hồi nhấn mạnh đến cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh tốt hơn, lành mạnh hơn, công bằng, bình đẳng hơn là vấn đề mà các doanh nghiệp rất mong chờ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói: “Nếu gói hỗ trợ lần này dùng không đúng, không trúng là có lỗi với nhân dân”. Cho nên, có không ít những ý kiến lo ngại rằng, nếu không có một cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, thì sẽ xảy ra tình trạng đầu cơ, thậm chí khi nguồn tiền vay quá dễ, dẫn đến dòng tiền không trực tiếp đi vào sản xuất, mà đầu cơ vào lĩnh vực khác.
Về điều này, vị chuyên gia phân tích, trước hết về cân đối vĩ mô, phải sử dụng có hiệu quả chính sách, nếu không sẽ gây tác hại cực kỳ lớn cho nền kinh tế trong tương lai, như lạm phát tăng cao, bào mòn tất cả những thành quả của sản xuất, kinh doanh, thậm chí có thể đẩy Việt Nam vào khó khăn, khủng hoảng lớn hơn.
Vì vậy, để giải quyết được bài toán nêu trên, thì phải xác định đúng lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng được hỗ trợ. Đồng thời phải lấy hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh là mục tiêu chính để xem xét hiệu quả của gói hỗ trợ này.
“Việc hoạch định một chính sách cụ thể, cặn kẽ, có thể đảm bảo tính công khai, minh bạch của ngân sách đến với mọi người. Hiện nay, chúng ta đã và đang số hóa nền kinh tế, vậy việc thực hiện số hóa gói hỗ trợ này trên các nền tảng xã hội là cực kỳ quan trọng, cần thiết. Nó đảm bảo cho các doanh nghiệp chỉ cần thực hiện theo đúng trình tự thủ tục đã có trên mạng và gửi đến các cơ quan, thì sẽ được hỗ trợ. Điều này, vừa giúp giảm thiểu thời gian, chi phí tiếp cận cho doanh nghiệp, mà còn đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong quá trình thực thi”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận