Doanh nghiệp mía đường vẫn kinh doanh “ảm đạm”
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đưa ra dự báo, niên vụ 2019-2020, sản lượng mía và đường giảm 5% so với niên vụ 2018-2019 xuống lần lượt 13 triệu tấn và 1,25 triệu tấn. Thống kê từ đầu năm đến hết tháng 3, bức tranh kinh doanh ngành mía đường của các doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận nhiều khởi sắc.
Theo VSSA, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết đã làm cho mía trổ cờ sớm và sâu bệnh nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh. Trong đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất, sản lượng mía, sản lượng đường các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên giảm tương ứng 13%, 22% và 23%.
Theo ghi nhận, bức tranh kinh doanh ngành mía đường của các doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận nhiều khởi sắc.
Tính riêng quý III/2018, CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) ghi nhận doanh thu thuần gần 248 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 8,2 tỉ đồng, gấp gần 4 lần cùng kì năm trước. Tuy nhiên, do quý II/2018 công ty lỗ gần 13 tỉ đồng nên lũy kế 9 tháng, Mía đường Lam Sơn vẫn phải chịu khoản lỗ 4,6 tỉ đồng.
Tính đến hết 31/3/2019, tổng tài sản của Mía đường Lam Sơn đã giảm hơn 350 tỷ đồng so với đầu niên độ, chủ yếu đến từ khoản phải thu ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ còn hơn 10 tỷ đồng.
Còn tại CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), quý I/2019 cũng ghi nhận hơn 2.000 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với quý I/2018. Lãi sau thuế của cổ đông ty mẹ đạt 154,6 tỉ đồng, giảm 17,8%.
Theo giải trình từ công ty, các sản phẩm như sữa đậu nành, nước khoáng… hiệu quả tăng trưởng trên 10% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm đường RS sụt giảm trước ảnh hưởng từ thị trường đường trong nước và thế giới, khiến giá bán bình quân sản phẩm này trong quý I giảm 12% cùng kỳ.
Một trường hợp khác, doanh thu thuần của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) đạt 2.506 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ niên độ trước. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 289 tỉ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ.
Công ty cho rằng, lãi ròng trong quý tăng cao nhờ nguyên liệu đầu vào giảm, kiểm soát tốt chi phí sản xuất và doanh thu tài chính từ việc thanh toán các khoản mục đầu tư nhằm tái cơ cấu ngành đường.
Tại thời điểm 31/3, giá trị hàng tồn kho của Thành Thành Công - Biên Hòa vẫn ghi nhận hơn 3.226 tỉ đồng và mía đường Lam Sơn hơn 808 tỉ đồng. Trong khi đó, đường Quảng Ngãi ghi nhận khoảng 1.016 tỉ đồng.
Trước khó khăn kéo dài của ngành mía đường nói chung và doanh nghiệp mía đường nói riêng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp tổng thể hiện nay là phải giải quyết được 4 vấn đề gồm: giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu; nâng giá trị tối đa ở tất cả các nhóm sản phẩm; có chính sách phù hợp nhất với WTO; có sự đồng lòng, quyết tâm cao giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận