menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bá Phú

Doanh nghiệp 'ma' hoành hành

Nhập rác thải, khi bị phát hiện biến thành “ma”; nhập hàng Trung Quốc dán mác VN khi bị phát hiện biến thành “ma”. Doanh nghiệp “ma” (địa chỉ đăng ký kinh doanh không tồn tại) ngày càng hoành hành nhiều trận địa gây rối loạn thị trường.

“Ma” đứng tên nhập hàng?

Cuối tháng 7 vừa qua, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan TP.HCM) đã có báo cáo kết quả kiểm tra sau thông quan 40 doanh nghiệp (DN) từng đứng tên nhập hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc vào VN cung cấp cho DN trong nước. Kết quả đợt 1 kiểm tra 14 DN đa số trong tình trạng “đang hoạt động”, mã số thuế chưa khóa... nhưng kiểm tra thực tế tại địa chỉ đăng ký kinh doanh thì cả 14 DN đều “không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh”.

Chẳng hạn, Công TNHH đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Gia Bảo (162/13/12 đường TTN08, KP.6, Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM), kết quả kiểm tra ghi “là nhà ở riêng lẻ, không có hoạt động sản xuất, chứa trữ hàng hóa”. Hoặc Công ty TNHH thương mại sản xuất đầu tư Văn Đoàn (169/15 Nguyễn Đức Cảnh, Tân Phong, Q.7) thế nhưng tại số 169 Nguyễn Đức Cảnh này chỉ có địa chỉ từ 169/1 đến 169/11 là hết, không có 169/15.

Quan điểm của chúng tôi là làm đến cùng, không bỏ giữa chừng. Sau công tác củng cố hồ sơ, tùy mức độ vi phạm, sẽ chuyển cơ quan công an khởi tố tiếp tục điều tra.

Ông Phan Mạnh Lân

Trước đó, hàng loạt vụ “ma” nhập khẩu phế liệu, rác thải cũng được phát hiện. Đơn cử, cuối năm 2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cũng đã phát hiện, ngăn chặn 25 container phế liệu độc hại cấm nhập khẩu về cảng Cát Lái do Công ty TNHH TMDV vận tải Trí Quang (60 Nguyễn Văn Giáp, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) đứng tên vận đơn nhận. Tuy nhiên, khi cán bộ hải quan kiểm tra tại địa chỉ này là nơi “rửa xe - dọn nội thất”, bên trong có dãy nhà trọ cấp 4.

Cũng trong tháng 12.2018, Công ty Hoài Nhân (81/41 Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) đứng tên trên vận đơn nhận lô hàng cấm 5 máy xét nghiệm của ngành y (hàng đã qua sử dụng) nhập từ Mỹ về. Thực tế tìm hiểu của Thanh Niên, số nhà 81/41 không tồn tại trên đường Tân Sơn Nhì, chỉ có số 81 - 83 là địa chỉ của một ngôi biệt thự và chính địa phương xác nhận không có Công ty Hoài Nhân đặt tại đây.

Cuối tháng 2 vừa qua, Đội kiểm soát hải quan đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Cục Hải quan TP.HCM) kiểm tra lô hàng của Công ty TNHH Cát Lợi Saitama (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhập về từ giữa năm 2018, khai là máy đào bánh xích, bị phân luồng đỏ, DN bỏ hàng không đến làm thủ tục nữa. Sau kiểm tra thì ngoài 1 chiếc xe nâng hiệu Komatsu, bên trong container là hơn 650 thùng hàng bách hóa các loại (nước uống các loại, bia, trà, xà bông, mì gói, khăn giấy, tã lót... và gần 1,4 tấn bánh kẹo).

Trong thực tế có nhiều DN đứng tên vận đơn nhập hàng và được phân luồng đỏ (kiểm tra trực tiếp), ngay lập tức DN bỏ hàng không đến lấy, liên lạc với DN không được, cán bộ hải quan tìm đến địa chỉ mới phát hiện DN đó chưa từng tồn tại tại địa chỉ kinh doanh. Hàng ngàn container hàng cấm, hàng giả nhãn mác xuất xứ đã vào VN do DN “ma” nhập theo các cách như vậy.

Chuyển địa điểm để trốn tránh

Giải thích về nhiều trường hợp DN “ma” nhập hàng nhưng vẫn được thông quan luồng vàng (kiểm tra hồ sơ), ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, phân tích là do phân luồng hải quan tự động.

“Thường DN được phân luồng ưu tiên là luồng xanh có 3 yếu tố là vốn lớn, số lượng tờ khai nhiều và chưa vi phạm pháp luật hải quan lần nào. Với DN nhỏ, lại tập trung xem xét yếu tố cuối cùng là chưa vi phạm thôi. Thế nên, nhiều DN nhỏ mới thành lập, thường lô hàng đầu tiên phải bị phân luồng đỏ, họ nhập lượng ít hàng hóa khai báo rất nghiêm túc. Đợt hàng sau theo đánh giá mã hồ sơ đa phần sẽ được chuyển tự động luồng vàng là chỉ kiểm tra hồ sơ. Lúc này họ mới nhập hàng cấm, trốn thuế. Nhưng hải quan nếu không nghi ngờ, không thể bẻ luồng để kiểm tra, vì nếu DN đúng sẽ kiện ngược hải quan đã gây cản trở DN”, ông Trường An phân tích.

Theo ông Trường An, việc kiểm tra, giám sát DN “ma” không phải trách nhiệm phía hải quan mà bộ phận đăng ký thành lập DN, cụ thể ở đây là sở KH-ĐT, hoặc cục thuế nếu DN nợ thuế thời gian dài không đóng. Hàng trăm DN “ma” bị khui ra trong thời gian qua do cơ quan cấp phép kinh doanh, nhưng chưa từng có động tác hậu kiểm. Nếu hậu kiểm tốt, cơ quan quản lý sẽ biết DN đăng ký để lấy mã số thuế mua bán hóa đơn, thực ra không có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Phan Mạnh Lân, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TP.HCM), khẳng định gọi là “ma” nhưng không phải là ma. Theo điều tra, nhiều công ty “ma” không còn hoạt động tại địa phương, không có nghĩa là họ đã giải thể, không tồn tại. Một số chuyển địa bàn kinh doanh sang địa chỉ khác vẫn có thể tìm ra.

“Sau khi phối hợp với cơ quan đăng ký quản lý DN, xác định được DN, chúng tôi đưa mã số thuế DN này vào diện theo dõi”, ông Lân nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại