Doanh nghiệp logistics trở lại trong quý 3 sau giai đoạn ‘đứng hình’?
Bước sang quý 3, các doanh nghiệp logistics dường như đã bắt đầu trở lại đường đua sau chuỗi ngày ảm đạm trong 2 quý đầu năm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong tổng số 28 doanh nghiệp logistics niêm yết công bố BCTC quý 3/2020, có 10 doanh nghiệp báo lãi giảm, 1 doanh nghiệp ôm lỗ, 10 doanh nghiệp có lãi tăng, 5 doanh nghiệp “giậm chân tại chỗ” và 2 doanh nghiệp thoát lỗ. Trong đó, doanh nghiệp logistics được chia ra thành 3 nhóm chính là nhóm khai thác cảng, nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi, nhóm vận tải đường thủy.
Doanh thu hoạt động tài chính thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp khai thác cảng?
Nhờ tiết kiệm chi phí nguyên nhiên vật liệu và doanh thu hoạt động tăng (lãi tiền gửi, lãi bán các khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác và nhận tiền cổ tức từ các khoản đầu tư tăng) đã giúp lãi ròng của Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) tăng 55% trong quý 3, đạt 17 tỷ đồng
Tương tự, Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) ghi nhận lãi ròng quý 3 hơn 121 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ do doanh thu hoạt động tài chính tăng 49 tỷ đồng nhờ nhận cổ tức từ Cảng Đình Vũ và lãi tiền gửi tăng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính lại giảm do PHP dừng trích trước chi phí lãi vay cầu 4.5 Chùa Vẽ từ năm 2020. Sau 9 tháng, PHP đạt 342 tỷ đồng lãi ròng, vượt 50% kế hoạch đề ra trong năm 2020.
Kết quả kinh doanh của nhóm khai thác cảng. Đvt: Tỷ đồng
Không may mắn như DXP và PHP, doanh thu hoạt động tài chính lại là một trong những nguyên nhân tác động ngược khiến lãi ròng của CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (HNX: MAC) giảm mạnh 93% so với cùng kỳ, xuống còn 247 triệu đồng.
Trong quý 3, doanh thu hoạt động tài chính của MAC giảm 75%, ghi nhận hơn 385 triệu đồng do cùng kỳ MAC có khoản lãi từ việc bán cổ phiếu theo chủ trương của Công ty cơ cấu lại các khoản đầu tư. Ngoài ra, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến kết quả kinh doanh của MAC lao dốc.
Công ty liên doanh, liên kết ảnh hưởng đến doanh nghiệp hỗ trợ vận tải và kho bãi
Lợi nhuận gộp về bán hàng và lãi công ty liên doanh, liên kết tăng đã giúp Transimex (HOSE: TMS) báo lãi ròng quý 3 tăng 53% so với cùng kỳ, lên mức gần 82 tỷ đồng. Khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng mạnh 68% so với cùng kỳ, lên hơn 44 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/09/2020, TMS đang sở hữu tổng cộng 6 công ty con và 6 công ty liên kết.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TMS ghi nhận doanh thu thuần tăng 29%, lên gần 2,291 tỷ đồng và lãi ròng tăng 38%, đạt 221 tỷ đồng.
Trong năm 2020, TMS dự kiến đem về 2,279 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 3%) và 368 tỷ đồng lãi trước thuế (tăng 44% so với thực hiện năm trước). Đây cũng là mức lãi trước thuế cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Khép lại 3 quý đầu năm, TMS đã thực hiện được 71% kế hoạch lãi trước thuế và hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2020.
Kết quả kinh doanh của nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi. Đvt: Tỷ đồng
Trong khi đó, khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 37% (36 tỷ đồng) là một trong những nguyên nhân góp phần kéo lãi ròng quý 3 của Gemadept (HOSE: GMD) chỉ còn gần 97 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/09/2020, GMD hiện đang sở hữu 19 công ty con và 17 công ty liên doanh liên kết.
Kết quả kinh doanh của GMD qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Nhờ tình hình kinh doanh mảng vận tải hàng không tăng và được hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tài chính đã giúp lãi ròng quý 3 của Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 29 tỷ đồng. Trong quý 3, SFI ghi nhận doanh thu thuần tăng 35%, đạt 306 tỷ đồng do sản lượng và giá cước vận chuyển đường hàng quốc tế không tăng cao.
So với kế hoạch đề ra trong năm 2020, sau 9 tháng, SFI đã thực hiện được 88% chỉ tiêu doanh thu và vượt 42% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Vẫn có doanh nghiệp ôm lỗ
Tiếp tục báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp, lỗ lũy kế của Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) đã cán mức gần 863 tỷ đồng tính đến ngày 30/09/2020.
Trong quý 3/2020, VOS ghi nhận doanh thu thuần giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 293 tỷ đồng và lỗ gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 74 tỷ đồng.
VOS giải trình về việc tiếp tục lỗ là do thị trường vận tải biển gặp nhiều khó khăn với tác động từ làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trước tình hình đó, VOS đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý kỹ thuật, nhiên liệu, phụ tùng vật tư, đồng thời tận dụng cơ hội để tăng hiệu quả khai thác tàu. Ngoài ra, nhờ bàn giao tàu Vega Star trong quý 3 đã giúp VOS giảm lỗ so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của nhóm vận tải đường thủy. Đvt: Tỷ đồng
Cùng nhóm vận tải đường thủy, Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) ghi nhận lãi ròng giảm mạnh 73%, xuống còn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, con số lợi nhuận của VIP lại tăng vọt lên mức hơn 78 tỷ đồng, gấp 79 lần cùng kỳ. Đồng thời, VIP đã vượt 44% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.
Dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 vào tháng 7/2020 làm số lượng chuyến tàu của Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) trong quý 3 giảm 17% so với cùng kỳ. Do đó, SKG ghi nhận kết quả không mấy khả quan với toàn bộ các chỉ tiêu đều theo chiều giảm.
Kết quả kinh doanh của SKG qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Trong đó, doanh thu thuần giảm 63% so với cùng kỳ, xuống còn 86 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng ghi nhận giảm mạnh 67%, xuống còn hơn 59 tỷ đồng do tổng số chuyến tàu giảm làm cho chi phí dầu DO giảm 40%, giá dầu, lệ phí hàng hải, lệ phí bến, chi phí khăn nước giảm so với cùng kỳ. Kết quả, SKG ghi nhận lãi ròng giảm 27% so với cùng kỳ, xuống còn gần 17 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) cũng báo lãi quý 3 giảm 22%, xuống còn 108 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt hơn 5,250 tỷ đồng, giảm 10% và lãi ròng của PVT ghi nhận 353 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, PVT dự kiến tổng doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất đạt 6,200 tỷ đồng (giảm 23%) và 433 tỷ đồng (giảm 47% so với năm trước). Như vậy, khép lại 3 quý đầu năm, PVT đã thực hiện được 85% kế hoạch doanh thu và vượt 5% chỉ tiêu lãi sau thuế năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do được xem là cú hích để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, kéo theo đó là nhu cầu logistics tăng trưởng vượt bậc. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp logistics nước ngoài đang nhắm tới thị trường Việt Nam như là đích đến.
Việc các tập đoàn lớn trên thế giới tìm tới Việt Nam đã diễn ra từ khá lâu, song, gần đây trở nên dồn dập hơn. Ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng giám đốc Bee Logistics đánh giá, thị trường logistics Việt Nam rất "béo bở", nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên rất lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận