Doanh nghiệp lo phá sản vì giá thuê đất tăng đến 400%
Loạt chủ đầu tư các dự án thuê đất ven biển ở Đà Nẵng cùng kêu cứu, than phiền khi giá thuê đất chu kỳ mới tăng quá cao, khiến doanh nghiệp lao đao, nguy cơ phá sản.
Bất hợp lý bảng giá thuê đất
Tại Dự án Khu du lịch Melia Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Trung - đại diện chủ đầu tư dự án - cho rằng, dự án này phần xây dựng chỉ chiếm rất nhỏ, còn lại là cảnh quan, cây xanh, đường nội bộ. Trong khi tiền thuê đất chủ đầu tư phải trả với mức giá đất thương mại dịch vụ.
Ông Hồ Kỳ Minh (thứ 3, từ trái qua) lắng nghe ý kiến phản ánh giá thuê đất cao của doanh nghiệp.
Theo quy định, tiền thuê đất sẽ điều chỉnh theo chu kỳ 5 năm một lần. Chu kỳ năm 2017-2021, công ty phải trả tiền thuê đất cho thành phố hơn 7 tỷ đồng/năm nhưng đến chu kỳ 2022-2026, tiền thuê đất tăng lên hơn 27 tỷ đồng/năm.
Chủ đầu tư dự án này cho biết: Năm đại dịch COVID-19 bùng phát doanh thu chỉ được 1 tỷ đồng nhưng tiền thuê đất là 7 tỷ đồng. Năm 2022 đóng cửa nửa năm, doanh thu 36 tỷ đồng, tiền thuê đất 27 tỷ đồng, chiếm 70%. Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm 30% tiền thuê đất và cho chậm nộp, trong khi đó địa phương tăng 300-400%.
Loạt chủ đầu tư các dự án thuê đất ven biển ở Đà Nẵng cùng kêu cứu, than phiền khi giá thuê đất chu kỳ mới tăng quá cao, khiến doanh nghiệp lao đao, nguy cơ phá sản.
Ông Trung cho biết, để có thể nộp tiền thuê đất, ông phải bán nhà cửa, tài sản tích lũy bao nhiêu năm để đắp đổi. Bởi nếu chậm nộp công ty sẽ bị cưỡng chế thuế và phong tỏa tài khoản. Nếu không thành phố Đà Nẵng không sửa thuế đất, khó khăn chồng khó khăn sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Theo ông Trung, hiện nay bảng giá đất chưa phù hợp giá thuê đất thực tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá đất thị trường giảm hơn 50%. Việc định giá đất thương mại, dịch vụ bằng 70% giá đất ở là không hợp lý. Thực tế, trên thị trường giá đất thương mại dịch vụ bằng 30-50% giá đất ở.
Giá thuê đất cao khiến doanh nghiệp ở Đà Nẵng phải đồng loạt gửi đơn kêu cứu.
Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng Ariyana Đà Nẵng có tổng diện tích 26,7 ha, trong đó có 22,7 ha thuê đất trả tiền hằng năm. Ông Lê Minh Kha, đại diện chủ đầu tư cho hay: Chu kỳ trước, doanh nghiệp nộp tiền thuế đất 32 tỷ đồng nhưng đến nay doanh nghiệp phải nộp lên đến 121 tỷ đồng. Do không đủ tiền nộp, doanh nghiệp đã bị cưỡng chế thuế.
Theo ông Kha, Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng Ariyana Đà Nẵng, mật độ xây dựng chỉ 18%, phần còn lại là cảnh quan, cây xanh, đường nội bộ nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê đất theo giá thuê đất thương mại, dịch vụ.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ở khu vực ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn cũng đã gửi đơn tập thể đến Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng phản ánh tiền thuê đất quá cao.
Trong đơn, các doanh nghiệp nêu kiến nghị, cho phép doanh nghiệp tiếp tục thuê đất như khung giá trước năm 2020. HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng cần kiến nghị Quốc hội và Chính phủ không điều chỉnh tăng giá thuê đất trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 (năm 2020-2023) và tài khoản của doanh nghiệp không bị phong tỏa, tài sản không bị cưỡng chế vì nợ tiền thuê đất do ảnh hưởng của việc tăng giá đất lên đến 300-400%.
Ông Kha đề nghị xuất chính quyền Đà Nẵng xây dựng đơn giá thuê theo công năng sử dụng đất. Đồng thời, đề xuất xem xét ban hành đơn giá thuê đất phù hợp với các dự án ven biển vì đặc thù sử dụng đất, mật độ xây dựng rất thấp so với các vùng lân cận.
Tại buổi kiểm tra ngày 11/10, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và chia sẻ với khó khăn họ đang đối diện. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố hướng giải quyết, phù hợp với quy định pháp luật.
“Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thành phố thì thành phố sẽ giải quyết, vấn đề nào vượt thẩm quyền sẽ báo cáo, kiến nghị cấp trên”, ông Minh cho biết.
Chính phủ giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
Liên quan đến tiền thuê đất, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023, có hiệu lực từ ngày 20/11/2023.
Theo đó, người thuê đất được giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023, không giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Đối tượng được giảm tiền thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp (theo quyết định, hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Để được miễn giảm tiền thuê đất, người dân chỉ cần nộp giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm nay của người thuê đất và quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).
Người thuê đất nộp bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất (bằng một trong các phương thức: trực tiếp, điện tử, bưu chính) cho cơ quan thuế quản lý thu tiền thuê đất, Ban quản lý Khu kinh tế.
Bộ Tài chính dự kiến năm nay sẽ giảm 3.500 tỷ đồng tiền thuê đất. Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận