Doanh nghiệp lo mất thị trường vì lao động bỏ trốn
Việc lao động bỏ trốn là điều làm doanh nghiệp đau đầu nhất, vừa ảnh hưởng uy tín vừa ảnh hưởng tới tài chính do mất thị trường...
Theo thống kế của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hàng năm, có hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2018 có hơn 146.000 người. Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng thì tỷ lệ lao động bỏ trốn vẫn còn ở mức cao là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong số các thị trường, những năm gần đây số lao động ở Nhật Bản tăng lên rõ rệt, vượt qua lao động sang Đài Loan (Trung Quốc).
Đài Loan được đánh giá là một trong những thị trường có người lao động Việt Nam cao nhất. Tuy nhiên, từ năm 2018, số lượng giảm hơn một chút, do chính sách lao động ở Đài Loan có thể gia hạn lao động nếu hiệu quả công việc tốt.
Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng nhanh, nhưng tỷ lệ bỏ trốn cũng ở mức cao, nhất là với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đây là vấn nạn làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam, trong đó Đài Loan là điểm nóng. Nguyên nhân chính là cộng đồng người Việt ở Đài Loan khá lớn, phí dịch vụ đi nước này ban đầu cao.
Hiện nay, có 226.000 người Việt đang lao động ở Đài Loan và có hơn 22.000 người bỏ trốn ra ngoài.
Dù đánh giá một phần nguyên nhân lao động bỏ trốn liên quan tới việc thu phí cao, song theo bà Hà là rất khó xác định bằng chứng cụ thể để xử lý, số chứng minh được đã xử lý 3 doanh nghiệp bằng hình thức phạt và phải trả lại tiền cho người lao động.
Một nguyên nhân khác là nhiều trung tâm tuyển dụng thông qua trung gian nên không cụ thể về môi trường, điều kiện làm việc. Do đó đã gây ra tình trạng thất vọng khi người lao động tới làm việc và tìm cách trốn ra ngoài.
Với thị trường Nhật Bản, số lượng và chất lượng tăng nhanh trong thời gian vừa qua cũng xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh như bỏ trốn ra bên ngoài. Năm 2016 có hơn 2.000 lao động bỏ trốn thì đến 2018 con số này lên gần 5.500 lao động bỏ ra ngoài và vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân được cho là vì Nhật Bản có nhiều quy định khắt khe. Bên cạnh đó, du học sinh của chúng ta đi du học nhưng trá hình, thực chất là đi làm qua nhiều hình thức khác.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD chia sẻ, việc lao động bỏ trốn là điều làm doanh nghiệp đau đầu nhất, vì vừa ảnh hưởng uy tín vừa ảnh hưởng tới tài chính.
Bên cạnh đó, thị trường của chúng ta không bền vững nữa, khi để xảy ra tình trạng bỏ trốn sẽ rất khó cho những người đi sau, thậm chí mất toàn bộ hợp đồng, đóng cửa thị trường như từng xảy ra với Đài Loan, Hàn Quốc.
Theo ông Tân, trên thực tế, người lao động tại các địa phương khi muốn tham gia xuất khẩu lao động thường tham khảo thông tin qua bạn bè, người thân và thường có khuynh hướng đi theo những người đã đi trước. Bản thân người lao động ít được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển chọn, nên rất hạn chế về thông tin dẫn đến việc phải đi qua các môi giới trung gian.
Về cơ bản, người lao động chưa hình dung được công việc trước khi xuất cảnh, bị ảo tưởng về mức thu nhập, kỳ vọng qua nhiều trước khi đi…
Để giảm dần tỷ lệ lao động bỏ trốn, ông Lê Nhật Tân khuyến cáo người lao động phải tìm đến đúng địa chỉ công ty chính thống, đến đó xác định đi đâu, làm gì và đi theo những đơn hàng chính thống.
Với trường hợp của LOD, ông Tân cho biết, doanh nghiệp không tập trung vào số lượng mà hạn chế rủi ro, đặc biệt là vấn đề lao động bỏ trốn. Qua 30 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã đưa khoảng 60.000 người ra nước ngoài làm việc.
"Trong tình hình chung có nhiều biến động, chúng tôi chọn ngành nghề giảm thiểu rủi ro tối đa cho người lao động, như hạn chế các cấp trung gian để giảm chi phí, sử dụng lao động đã từng đi để tư vấn cho người thân, bạn bè họ. Đồng thời, khi người lao động hết hạn về nước thì họ sẽ được giới thiệu các chương trình khác để có thể lựa chọn, thay vì phải bỏ trốn để được ở lại", ông Tân cho biết.
Mặc dù vậy, theo ông, điều quan trọng nhất là chính sách của nhà nước với những biện pháp có tính chất bao quát trong lĩnh vực này.
Liên quan đến câu chuyện cho rằng trở về nước không có việc làm, bà Trần Thị Vân Hà cũng khẳng định rằng, có rất nhiều chương trình ưu đãi để làm việc ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam. Do đó, nếu người lao động biện hộ không có việc làm khi về nước là không hoàn toàn chính xác. Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thắt chặt hơn việc tuyển chọn và đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận