Doanh nghiệp lo lắng về nguồn nhân lực sau Tết
Sau Tết Nguyên đán 2022, riêng TP.HCM dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề. Thành phố và các doanh nghiệp hiện đang chuẩn bị nhiều kịch bản để giữ chân người lao động ở thời điểm sau Tết…
Năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng. Năm nay do ảnh hưởng của các đợt giãn cách dài trong năm, số lượng lao động tại các doanh nghiệp vốn đã thiếu hụt trầm trọng, nên nhu cầu chuẩn bị sẵn lực lượng lao động của doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết lại càng bức thiết hơn.
ĐÃI NGỘ TỐT ĐỂ CÔNG NHÂN SỚM QUAY LẠI SẢN XUẤT
Để chuẩn bị quay trở lại sản xuất sau Tết, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã tập trung thu hút và tuyển dụng lao động trước cả tháng trời. Các doanh nghiệp tham gia nhiều kênh tuyển dụng khác nhau như phiên giao dịch việc làm, các diễn đàn, mạng xã hội thậm chí khuyến khích công nhân giới thiệu người quen… nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tuyển dụng đủ, có ngày chỉ nhận được vài bộ hồ sơ.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP.HCM) chia sẻ: công ty này đã "hao hụt" khoảng 500 lao động trong đợt dịch vừa qua nên việc "bảo toàn" số lao động hiện tại quay trở lại làm việc sau Tết càng cần thiết hơn. "Mọi năm số lượng công nhân về quê ăn Tết và không quay lại làm việc cũng có nhưng không nhiều và công ty vẫn có thể xoay xở tuyển mới. Nhưng năm nay tình hình rất khó đoán. Nhiều công nhân về quê tránh dịch đến nay vẫn chưa quay trở lại," bà Vân nói.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Bidrico cũng nhận định việc đảm bảo lao động sau Tết là vấn đề hóc búa của không ít doanh nghiệp hiện nay. Mọi năm công nhân trở lại nhà xưởng vốn đã không đồng đều về thời gian, nhưng riêng năm nay dự đoán sẽ có nhiều công nhân ở lại quê lâu hơn so với mọi năm do gia đình ở quê có người F0, tâm lý ngại đi tàu xe sợ lây lan dịch bệnh…
Theo ông Hiến, để "giữ chân" người lao động, công ty tiếp tục đảm bảo các mức lương, thưởng và tiền thâm niên cho người lao động. Ngoài ra, để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp này cho công nhân đã gắn bó với công ty được ứng trước tiền để tiêu Tết với các mức từ 5 - 10 triệu đồng. "Nếu doanh nghiệp chăm sóc công nhân tốt, chế độ đãi ngộ đầy đủ thì họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp và nhà máy, sớm quay trở lại sản xuất", ông Hiến nói.
Thường xuyên thiếu hụt khoảng 10% lao động, tương đương 6.000 người sau kỳ nghỉ Tết, các nhà máy phía Nam thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam năm nay đã đặc biệt lên nhiều phương án giữ chân công nhân. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam, trong giai đoạn này các cam kết đảm bảo về việc làm, thu nhập là cách giữ chân công nhân hiệu quả nhất.
Những ngày đầu năm 2022, các nhà máy đã ký được đơn hàng lấp đầy đến hết quý 3. Thông tin này được công bố rộng rãi đến toàn bộ lao động để họ an tâm, không lo thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc duy trì lương thưởng, không cắt giảm các khoản phúc lợi sẽ giúp công nhân tin tưởng vào tài chính vững chắc của doanh nghiệp.
TP.HCM hiện có hơn 1,5 triệu lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, trong đó gần một nửa là người lao động ngoại tỉnh. Tết này, Liên đoàn Lao động thành phố dự kiến dành hơn 700 tỷ đồng để chăm lo đời sống cho công nhân.
Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM cho biết, do những quy định cách ly tại các địa phương mỗi nơi mỗi khác, nên năm nay nhiều doanh nghiệp cho phép người lao động ở các tỉnh xa được về quê sớm từ 1 - 2 tuần. Để giữ công nhân, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức xe đưa đón và áp dụng mức thưởng đối với lao động trở lại làm việc đúng ngày.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã tăng tiền thưởng, tiền sản xuất nhằm giữ một phần công nhân ở lại thành phố, giúp nhà máy hoàn thành đơn hàng đúng kế hoạch. Ước tính, có khoảng 98.000 lao động tại các khu công nghiệp - khu chế xuất ở lại thành phố trong dịp Tết này. Khảo sát cho thấy, sau Tết, các doanh nghiệp vẫn cần tuyển khoảng 10% lao động để mở rộng quy mô sản xuất. Do đó, còn rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động muốn quay lại TP.HCM làm việc.
ĐIỀU PHỐI NGUỒN NHÂN LỰC SAU TẾT
Ngày 19/1, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết do thu nhập giảm, cùng với lo ngại dịch bệnh, các quy định cách ly của địa phương nên số công nhân TP.HCM đón Tết Nguyên đán năm nay tăng 30% so với mọi năm. Khảo sát từ các cấp Công đoàn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ghi nhận đến thời điểm này có khoảng 420.000 công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp chọn giải pháp ở lại đón Tết. Trong số đó, có hơn 98.000/270.000 công nhân lao động làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp lựa chọn không về quê.
Về chăm lo người lao động ở lại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM cho hay, UBND TP.HCM đã có kế hoạch 58 gửi các đơn vị hướng dẫn tổ chức kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần cho 23 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 901 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều chính sách chăm lo cho người lao động ở lại thành phố đón Tết sum vầy phù hợp tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố cùng các cấp Công đoàn và doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động như: Chương trình “Tết Sum vầy,” phiên chợ công nhân online; họp mặt 10.000 gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón Tết...
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang chuẩn bị nhiều phương án để điều phối nguồn nhân lực sau Tết. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, sau Tết, thành phố dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề tập trung các ngành kinh doanh thương mại, da giày, cơ khí… Để cung ứng đủ nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn kết nối, giới thiệu lực lượng lao động địa phương, lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại TP.HCM làm việc với doanh nghiệp ngay sau Tết.
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng đồng tình chính việc thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi trong dịp Tết của doanh nghiệp góp phần rất lớn trong giữ chân và thu hút lao động quay trở lại làm việc.
Theo ông Vân, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động ở các tỉnh, giúp đỡ phương tiện đi lại, xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine cho lao động ở tỉnh quay lại thành phố. Bên cạnh đó, có tình trạng nhiều người lao động về quê “trốn dịch” khi tết đã cận kề nên đa số họ sẽ chọn thời điểm năm mới để bắt đầu quay trở lại. Từ thực tế này ông Vân tin rằng qua Tết thị trường lao động sẽ ấm nóng trở lại, đặc biệt khi nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động đang được thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận