Doanh nghiệp liên tiếp công bố “lấn sân” làm nhà ở xã hội đón gói 120.000 tỷ đồng
Với loạt chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành, nhiều doanh nghiệp địa ốc chạy đua công bố kế hoạch "lấn sân" làm loại hình sản phẩm vốn bị "chê" lâu nay vì tỷ suất lợi nhuận thấp.
Ngày 3/4, Thủ tướng có Quyết định 338 phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Cùng thời điểm đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay với lãi suất 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.
Ngay sau khi Chính phủ và NHNN công bố các gói chính sách cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhiều doanh nghiệp đã công bố chuyển hướng sang phát triển loại hình căn hộ này.
"Đổ bộ" làm nhà ở xã hội
Tại đại hội cổ đông mới tổ chức cuối tháng 4, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cho biết, doanh nghiệp này dự kiến làm 50.000 căn nhà ở xã hội để “hưởng ứng” đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng như hưởng lợi từ gói tín dụng 120.000 tỷ.
“Có nhiều thách thức, khó khăn, tuy nhiên, tôi cảm nhận 10 năm nay mới có lại điều kiện thuận lợi như hiện nay để công ty làm nhà ở xã hội. Thứ nhất, cơ chế chính sách. Thứ hai điểm mạnh Hoàng Quân đó là đã có sẵn quỹ đất, giấy phép xây dựng, có hàng chục dự án đã hoàn thiện pháp lý”, Chủ tịch HQC chia sẻ.
Ông Tuấn thông tin, tính đến nay, Hoàng Quân cùng các đơn vị liên kết đã làm 10.000 căn hộ. Với lợi thế quỹ đất, HQC đi trước các đơn vị khác ít nhất 2 năm, liên quan công tác đấu thầu đấu giá. Theo đó, sẽ biến khó khăn thành cơ hội, biến thách thức thành thuận lợi.
Nếu như Hoàng Quân là “lá cờ đi đầu” trong mảng làm nhà ở xã hội, việc có các chính sách hỗ trợ sản phẩm này phát triển giúp công ty đẩy mạnh “sở trường” thì loạt ông lớn địa ốc lại “quay xe” với loạt dự định “lấn sân” triển khai nhà ở xã hội để đón gói 120.000 tỷ.
Cụ thể, Nam Long (NLG) vốn được biết đến nhiều với thương hiệu làm loạt dự án nhà ở “vừa túi tiền” ở TP.HCM và các vùng lân cận. Tại đại hội cổ đông tổ chức cùng thời điểm với HQC, lãnh đạo Nam Long (NLG) cũng chia sẻ với cổ đông kế hoạch làm sản phẩm nhà ở xã hội.
Trước thắc mắc của cổ đông, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc NLG khẳng định, công ty có dự định tham gia thị trường nhà ở xã hội, cam kết đóng góp 20.000 căn NOXH trong những dự án công ty làm.
“Không chỉ xây nhà ở xã hội, công ty có thể nghiên cứu xây dựng những khu đô thị tích hợp nhà ở xã hội và nhà vừa túi tiền ở những địa phương phù hợp”, lãnh đạo Nam Long cho biết.
Trước đó, tại đại hội cổ đông diễn ra tại TP.HCM hôm 26/4, lãnh đạo Tập Đoàn Danh Khôi (NRC) đã tiết lộ với cổ đông về khả năng tham gia mảng miếng nhà ở xã hội.
“HĐQT đang suy nghĩ tham gia nhà ở xã hội bằng quỹ đất tại Nhà Bè, quận 12”, Chủ tịch Lê Thống Nhất cho biết.
Trước đó, lãnh đạo tập đoàn Thắng Lợi cũng “úp mở” về việc làm nhà ở xã hội. Cụ thể, ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT tập đoàn cho biết doanh nghiệp có quỹ đất khoảng 100ha, trong đó dự kiến dành 30ha ở 4 dự án làm nhà ở xã hội.
“Quỹ đất sạch doanh nghiệp đã có, chủ trương có, hiện đang xin chuyển đổi làm nhà cao tầng, địa phương và các sở ngành ủng hộ, tuy nhiên vẫn đang vướng một số khâu”, ông Thành chia sẻ.
Hay trong kế hoạch đầu tư năm 2023, Tổng công ty Viglacera (VGC) - một doanh nghiệp nổi tiếng trong mảng vật liệu xây dựng cũng công bố chiến lược làm nhà ở xã hội.
Cụ thể, ở mảng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, doanh nghiệp này cho biết sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 đã được Bộ Xây dựng giao.
Các dự án trọng điểm đang triển khai gồm nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh.
Năm nay, VGC dự kiến khởi công mới nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4 ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP.Hà Nội).
Đồng thời, tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.
Kỳ vọng gì từ gói 120.000 tỷ?
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp lẫn chuyên gia, nhà ở xã hội với loạt chính sách hỗ trợ hiện là “cứu cánh” trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó như hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long đánh giá, Việt Nam là nước đang phát triển, dân số trẻ, quá trình đô thị hóa nhanh, do đó nhu cầu ở thực rất cao. Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là chương trình khởi đầu cho những chương trình lớn hơn của Chính phủ.
“Nghị định 08, gói ưu đãi 120.000 tỷ cho NOXH bắt đầu được giải ngân, lãi suất có xu hướng điều chỉnh giảm. Về công tác pháp lý, Chính phủ thành lập Tổ công tác tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường phát triển bền vững. Nhiều cuộc họp từ Chính phủ đến thành phố để gỡ vướng mắc cho các dự án lớn. Chính phủ quyết tâm, các bộ quyết tâm, các ngành quyết tâm, đây là thông điệp lớn đối với thị trường bất động sản”, ông Quang nhận định.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HQC nhận định, với gói 120.000 tỷ đồng, HQC sẽ có dòng tiền mạnh giúp công ty thu hồi vốn đầu tư.
“Hiện nay, chính sách đã mạnh và mang tính lâu dài hơn trước. Với HQC, đa phần các dự án đều là nhà ở xã hội nên với gói 120.000 tỷ thì HQC và các đơn vị liên kết sẽ được hưởng nguồn tiền rất lớn. Hầu hết quỹ đất của công ty đều đã có pháp lý đầy đủ”, ông Tuấn chia sẻ.
Vị này cũng tiết lộ, Công ty đã làm việc với 5 ngân hàng, hầu hết dự án của công ty đầu tư đều được vay vốn. Đặc biệt, những dự án đã hoàn thành cũng được vay vốn. Các khách hàng chưa tiếp cận gói 30.000 tỷ sẽ được tiếp cận gói 120.000 tỷ mới. Cái cần vượt qua lúc này là mong thủ tục pháp lý của nhà nước ngắn gọn, thông thoáng hơn.
Đánh giá về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dự báo, gói 120.000 tỷ có thể “thổi bùng” xu hướng các doanh nghiệp địa ốc chạy đua làm nhà ở xã hội nhằm tiếp cận dòng vốn vay rẻ này.
Theo ông Châu, hiện các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất tốt khoảng 11-11,5% một năm. Do đó, với mức lãi suất 8,7% mỗi năm kéo dài trong 3 năm, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%) nếu chuyển sang phân khúc này.
“Trong bối cảnh thị trường nhà ở lệch pha cung cầu, thừa nhà giá cao thiếu nhà giá thấp, việc các doanh nghiệp đăng ký xây nhiều nhà ở xã hội có thể giúp cân bằng lại cán cân cung cầu nhà ở. Nếu các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội về đích như số liệu công bố sẽ mở ra cơ hội an cư cho người có thu nhập trung bình thấp và người yếu thế”, Chủ tịch HOREA đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận