menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Thành

Doanh nghiệp lao đao trước "cơn sốt" giá nguyên phụ liệu

Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến người sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn, không dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh. Đáng lo hơn, xu hướng tăng giá nguyên liệu đầu vào sẽ tác động tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021.

Nguyên phụ liệu nhập khẩu đầu vào cho các ngành sản xuất dệt may, nhựa, cơ khí, thép… tăng giá cao là áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực này. Vấn đề tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước lại được đặt ra khi đây vẫn còn là bài toán nan giải.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp (DN) dệt may cho thấy họ đang gặp áp lực khi giá bông, sợi nhập khẩu (NK) tăng lên từ cuối năm 2020 cho đến vài tháng gần đây.

Gặp khó vì giá nhập khẩu tăng cao

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, giá bông nguyên liệu NK về Việt Nam đạt trung bình 1.625 USD/tấn, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay các thị trường cung cấp bông nguyên liệu nhiều cho Việt Nam sau Braxin là Mỹ, Ấn Độ, Australia…Trong đó, riêng giá NK từ thị trường cao nhất là Australia với mức giá 1.917 USD/tấn.

Còn theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các DN dệt may khá căng thẳng khi giá sợi tăng lên từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Ông Trường lưu ý trong khi giá sợi đã tăng 25% so với trước đó thì những đơn vị dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể.

Ngoài vấn đề giá nguyên liệu tăng, trong buổi trao đổi với các hội viên ở Tp.HCM mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tiếp tục nhấn mạnh một trong những thách thức của ngành dệt may trong năm nay đó là vẫn đang bị tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu.

Còn ở ngành nhựa, theo phản ánh thì do giá nguyên liệu NK gia tăng mạnh nên nhiều công ty sản xuất nhựa đã phải gửi thông báo tăng giá đến khách hàng.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tính riêng NK nhóm hàng nguyên liệu nhựa trong 2 tháng đầu năm 2021 đã đạt 1,13 triệu tấn, tương đương 1,72 tỷ USD, giá trung bình 1.513,6 USD/tấn, tăng 12,4% về lượng, tăng 32,8% về kim ngạch và tăng 18% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, riêng NK nguyên liệu nhựa từ Hàn Quốc (chiếm 18,8% trong tổng kim ngạch NK nguyên liệu nhựa của cả nước) đã tăng 17,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giá NK nguyên liệu nhựa tăng mạnh được cho là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu nhựa từ một số thị trường NK chính, cộng với việc thiếu container rỗng để vận chuyển.

Tổng giám đốc một DN sản xuất nhựa thuộc dạng lớn ở Tp.HCM cho biết, 60% nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất trong nước của công ty là phải NK, nhưng hoạt động vận chuyển lại gặp khó khăn từ quý 4/2020 cho đến nay làm giá nguyên liệu tăng chóng mặt. Điều này khiến cho công ty gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay.

Trong khi đó, có những công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật phải NK gần 100% nguyên liệu thì càng khó khăn hơn khi giá đầu vào tăng làm đội chi phí lên gần 20%.

Có tự chủ được không?

Không khá gì hơn, ở ngành cơ khí và ngành thép, qua ghi nhận từ một số DN ở phía Nam cho thấy so với giữa năm 2020, giá thép nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 40%, khiến DN như ngồi trên đống lửa bởi hợp đồng sản xuất đã được ký kết từ các tháng trước chưa tính hết mức độ tăng giá của nguyên liệu.

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 4/2021 thì nhiều DN ngành thép thông báo tăng giá bán các sản phẩm thép, tôn mạ,... do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Qua khảo sát thị trường thì thấy rằng giá các loại nguyên liệu sản xuất thép đang tăng cao bất thường từ những tháng cuối năm 2020 và liên tục thiết lập mốc giá mới trong những tháng đầu năm nay.

Trước vấn đề tăng giá nguyên phụ liệu đầu vào, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn NK, phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu nên phải đối mặt với những gián đoạn khá lớn khi xảy ra những sự cố như dịch Covid-19, vận chuyển… Do đó, bài toán tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước lại được đặt ra.

Chẳng hạn với ngành dệt may Việt, theo Ts. Majo George, Khoa Kinh doanh và Quản trị của đại học RMIT, có thể tham khảo bài học từ Bangladesh, quốc gia cho thấy khả năng hồi phục tốt trước tác động của dịch Covid-19. Nhất là nhiều DN dệt vải ở Bangladesh đã hiện đại hóa phương pháp sản xuất để tự chủ về nguyên liệu trong nước.

“Đây là một điểm yếu lớn của ngành dệt may và thời trang Việt. Cần ưu tiên nâng cấp ngành sản xuất vải với công nghệ mới nhất để Việt Nam có thể tự chủ đầu vào sản xuất”, Ts. George nói.

Còn với ngành nhựa ở Việt Nam, theo đánh giá thì mỗi năm phải cần trung bình khoảng 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS... chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước chỉ có khả năng cung cấp được khoảng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành nhựa Việt Nam. Tức là trong nước mới chỉ chủ động được khoảng 20 - 25% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào.

Và điều khó tránh khỏi là các DN sản xuất nhựa phải phụ thuộc lớn vào việc NK các loại nguyên liệu nhựa vốn không ngừng tăng về số lượng cũng như trị giá NK qua các năm. Việc này dẫn đến khi giá nguyên liệu nhựa NK tăng cao làm cho các DN trở nên lúng túng từ đầu vào cho đến đầu ra khi mà việc tăng giá thành sản xuất là khó tránh khỏi.

Rõ ràng, trước tình trạng phụ thuộc và bị động với nguồn nguyên phụ liệu NK thì việc tự chủ nguồn cung trong nước cho các ngành dệt may, nhựa, cơ khí, thép là cả bài toán nan giải. Điều quan trọng là các DN trong những lĩnh vực này nếu muốn tập trung vào phát triển bền vững thì phải cùng nhau liên kết để giải cho được phần nào bài toán này.

Áp lực kiểm soát lạm phát

Vì vậy, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cho rằng, doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc kỹ về các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn và khả năng lưu trữ để quyết định việc có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong thời điểm này hay không.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành lập báo cáo khả thi đánh giá nghiên cứu về lợi ích, tác động khi đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Brazil, Argentina... - những thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay phía các nước này vẫn chưa sẵn sàng.

"Để ký hiệp định cần phải có sự đồng thuận của cả hai bên tham gia. Việt Nam đã có bước đi nhưng phía bạn chưa sẵn sàng, nên chúng ta cần đợi thời điểm thích hợp hơn để thực hiện", ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh yếu tố làm khó DN, việc giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng có thể ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Trong bài phân tích mới đây, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đưa ra lo ngại sau xu hướng giảm của năm 2020, lạm phát có xu hướng tăng trở lại.

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, trung bình trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá hàng hóa chung của thế giới đã tăng khoảng 21%. Trong đó, giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 22% (lương thực, đồ uống tăng 22%, kim loại cơ bản tăng 48%, nguyên liệu thô trong nông nghiệp tăng 10%, phân bón tăng 31%) và giá nhiên liệu tăng 19,5%.

Theo TS. Phạm Thế Anh, giá cả các mặt hàng nguyên liệu tăng tương đối đáng ngại và phải lưu ý. Bởi lẽ, khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là nhờ giá cả thế giới duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân lạm phát có nhiều yếu tố, một phần do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, một phần do tổng cầu, hay còn do tỷ giá hối đoái, tăng trưởng cung tiền quá cao. Tới đây, khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào không còn thấp, không còn hỗ trợ thì Việt Nam sẽ khó có thể kiểm soát lạm phát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả