24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp làm ăn lỗ, cổ phiếu vẫn tăng "sốc"

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều trường hợp giá cổ phiếu tăng “sốc”, trong khi doanh nghiệp làm ăn sa sút, liên tục thua lỗ, thậm chí là kinh doanh âm vốn chủ sở hữu.

Trong những tháng đầu năm, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng "sốc" dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bết bát, liên tục thua lỗ.

Điển hình như trường hợp của Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(HNX:VIG). Trong vòng nửa năm trở lại đây, cổ phiếu VIG đã tăng từ mốc 900 đ/cổ phiếu vào cuối năm 2020, lên đỉnh giá 6.100 đ/cổ phiếu vào ngày 4/6, tương đương tăng 577%.

Cổ phiếu VIG tăng trưởng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh từ năm 2019 đến nay của doanh nghiệp này không mấy sáng sủa khi chỉ có một quý báo lãi, tình trạng kinh doanh âm vốn liên tục kéo dài.

Trong quý I/2021, mặc dù thị trường chứng khoán sôi động mang đến kết quả tăng trưởng cao cho nhiều công ty Chứng khoán, nhưng doanh thu hoạt động của VIG ghi nhận chỉ gần 2 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 20% kế hoạch năm. Mặc dù chi phí hoạt động đã giảm 61%, VIG vẫn lỗ hơn 447 triệu đồng sau thuế.

Theo đó, cổ phiếu VIG đã bị hạn chế giao dịch từ ngày 26/4 với lý do đã lỗ sau thuế liên tiếp hai năm 2019 và 2020. Tuy nhiên đến 12/5, cổ phiếu công ty đã được dỡ bỏ hạn chế do đã giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Doanh nghiệp làm ăn lỗ, cổ phiếu vẫn tăng "sốc"

Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu VIG đã tăng trưởng hơn 500%.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Ban Kiểm soát, VIG đang có một khoản nợ có nguy cơ gây phá sản. Cụ thể, công ty có tổng số nợ hơn 13 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Handico), trong đó nợ gốc gần 5,9 tỷ đồng cùng khoản lãi 7,4 tỷ.

Vào ngày 7/5/2021, Handico đã có công văn yêu cầu VIG thanh toán toàn bộ số nợ trên, nếu công ty không thể thực hiện trả nợ thì Handico sẽ yêu cầu thủ tục phá sản đối với VIG.

Năm 2021, VIG đặt mục tiêu doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tương đương mức tăng 54% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng ở mức 700 triệu đồng, trong khi năm 2020 VIG ghi nhận mức lỗ hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng hoạt động môi giới được lên kế hoạch đạt 5,2 tỷ đồng, với hoạt động tư vấn là 4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 65% và 60% so với thực hiện năm 2020.

Chiến lược phát triển trong năm 2021,VIG đề ra một số giải pháp như tăng tỷ trọng thị phần môi giới; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp. Bên cạnh đó là đàm phán với các ngân hàng và tổ chức tài chính để đảm bảo nguồn vốn hoạt động; đồng thời nâng cao trình độ người lao động.

Nhà đầu tư hẳn cũng chưa thể quên được dấu ấn cổ phiếu của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC) để lại trong quý I vừa qua. Đang duy trì giao dịch dưới 5.000 đ/cổ phiếu suốt một thời gian dài, bỗng nhiên từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu RIC bất ngờ tăng mạnh với chuỗi 34 phiên tăng trần liên tiếp từ vùng giá 5.130 đ/cổ phiếu ngày 11/1/2021 lên mức giá 46.150 đ/cổ phiếu vào ngày 4/3/2021, tương đương với mức tăng trưởng gần 800%.

Doanh nghiệp làm ăn lỗ, cổ phiếu vẫn tăng "sốc"

Cổ phiếu RIC đã có 34 phiên tăng trần liên tiếp trong quý I, đưa thị giá cổ phiếu này từ 5.130 đ/cổ phiếu, lên vùng giá 46.150 đ/cổ phiếu.

Một điều đáng chú ý, mặc dù giá cổ phiếu tăng chóng mặt, nhưng trên thị trường không hề có một nguyên nhân nào hỗ trợ tạo “lực đẩy” cho cổ phiếu này, kể cả kết quả kinh doanh. Năm 2020 RIC đạt gần 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỷ đồng, cao hơn cả số lỗ 73 tỷ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2020 lên gần 310 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cho biết cổ phiếu RIC đã mang lại chuỗi ngày đầu tư đầy cảm xúc. Bởi sau chuỗi tăng sốc 34 phiên liên tiếp rồi bất ngờ giảm sàn 14 phiên, RIC lại bắt đầu hành trình tăng mạnh với 7 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau đó. Hiện RIC đang giao dịch quanh mức giá 19.000 đ/cổ phiếu, mặc dù giảm gần 59% so với đỉnh giá ngày 4/3, nhưng vẵn tăng 280% so với hồi đầu năm.

RIC được biết đến là đơn vị quản lý tổ hợp các khách sạn tại Thành phố Hạ Long, quản lý khu Casino và một số khu vui chơi. Mặc dù giá cổ phiếu tăng sốc, nhưng do lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 30/6/2020 âm, nên HoSE vẫn giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu RIC từ ngày 8/4/2020.

Cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O(HNX: CEO), mặc dù không tăng sốc như cổ phiếu RIC, nhưng cũng là mã chứng khoán khiến giới đầu tư ngỡ ngàng. Từ mức giá dao động 6.000 đ - 7.000 đ/cổ phiếu hồi cuối năm 2020, sang đầu năm 2021 CEO gây chú ý khi đạt đỉnh 13.800 đ/cổ phiếu, tương đương mức tăng gấp đôi.

Doanh nghiệp làm ăn lỗ, cổ phiếu vẫn tăng "sốc"

Cổ phiếu CEO cũng có chuỗi tăng trưởng ấn tượng, bất chấp tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Khi cổ phiếu đạt đỉnh, hàng loạt sếp lớn của doanh nghiệp này, từ Tổng Giám đốc đến Thành viên Ban kiểm soát và nhiều người có liên quan tranh thủ ồ ạt "thoát hàng", bán ra cổ phiếu CEO.

Cũng giống như những doanh nghiệp trên, trái ngược với giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng kết quả kinh doanh của Tập đoàn này cũng không mấy khả quan, khi doanh thu và lợi nhuận của năm 2020 đều sụt giảm và lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu đạt 1.324 tỷ đồng, giảm 70,9% so với cùng kỳ năm 2019 và lợi nhuận sau thuế âm 103 tỷ đồng, giảm 117% so với mức đạt được của năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến cho doanh thu của mảng cung cấp dịch vụ suy giảm chủ yếu ở mảng quản lý khách sạn. Ngoài ra, CEO đặt trọng tâm chính vào bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh ngành du lịch gần như đóng băng và các dự án bất động sản (BĐS) đang trong quá trình xây dựng khiến cho doanh thu BĐS sụt giảm mạnh.

Bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh của Tập đoàn BĐS này vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ, khi doanh thu quý I giảm 51% so với cùng kỳ, đạt 142 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 18 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh lên mảng cung cấp dịch vụ và Dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng chưa ghi nhận bàn giao.

Tăng trưởng giá cổ phiếu không trên nền tảng kinh doanh, thông tin tích cực hay triển vọng tương lai của doanh nghiệp... Những lát cắt trên cho thấy dòng tiền trong sự ồ ạt vào thị trường chứng khoán thời gian qua, với sự tham gia của một "thế hệ F0" có phần mang theo tâm lý đầu tư chỉ cần "bỏ tiền là thắng", đã không cần sàng lọc hay bất chấp bức tranh nội tại doanh nghiệp. Tuy chỉ là những lát cắt nhưng đó phải chăng đã phản ánh sự "lệch nhịp" của chứng khoán với hoạt động doanh nghiệp, với nền kinh tế? Và nếu thị trường vẫn diễn biến theo cách thức này, "dòng tiền có lý riêng của dòng tiền", thì đây là một trong những rủi ro tiềm ẩn của thị trường chứng khoán; bởi sẽ không có thị trường "hàn thử biểu" nào, về dài hạn lại có thể tách rời khỏi hơi thở hoạt động doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa trên sàn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả