Doanh nghiệp lãi lớn từ bất động sản công nghiệp
Với nguồn cung hạn chế tại các phân khúc khác như nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ… bất động sản công nghiệp hiện đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo ra đòn bẩy khiến chi phí thuê bất động sản công nghiệp leo thang. Ngay từ đầu năm, nhiều dự báo cho rằng 2021 sẽ là “năm bội thu” của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã nắm trong tay quỹ đất lớn.
Bởi lẽ, so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, đồng thời còn được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc. Vì thế, nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này trong quý I vừa qua cũng tốt hơn.
Đơn cử như Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu 2.002 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với quý I/2020. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 1.904 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước đó. Hay Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp Sonadezi (SNZ) công bố doanh thu quý I/2021 đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó riêng mảng kinh doanh khu công nghiệp đạt hơn 365 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác thuộc nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao trong cùng thời gian trên còn có Tân Tạo (ITA), Becamex (IJC) và Nam Tân Uyên (NTC).
Đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố, tiêu biểu như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang... Với 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Việt Nam đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng 60.000 - 80.000 đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng dao động từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Focus Economics cũng dự báo tăng trưởng bình quân của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt 6,7%, xếp thứ 4/130 quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Được thúc đẩy bởi môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động tương đối có tay nghề cao, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn FDI, đặc biệt là vào các lĩnh vực hàng may mặc và điện tử. Focus Economics cũng đánh giá Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty muốn chuyển khỏi Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và một loạt các thỏa thuận thương mại đã được ký nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa của mình, bao gồm RCEP và FTA với Liên minh châu Âu.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều công ty đã áp dụng mô hình Trung Quốc + 1 nhằm tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung. Với vị trí liền kề Trung Quốc cũng như hội tụ nhiều lợi thế chiến lược, đặc biệt là chi phí thuê bất động sản công nghiệp rất cạnh tranh, Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và xem như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Cũng theo ông Troy, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành bất động sản nói chung với nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận