Doanh nghiệp lạc quan năm 2022, kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi hình chữ V
Nhiều doanh nghiệp lạc quan vào tình hình kinh doanh quý I/2022. Kinh tế TP.HCM năm 2022 được dự báo phục hồi hình chữ V.
Doanh nghiệp lạc quan năm 2022
Theo số liệu về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM năm 2021 do Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM có kết quả kinh doanh phục hồi trong quý IV/2021 và lạc quan trong năm 2022.
Cụ thể, có gần 70% doanh nghiệp nhận định rằng hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 so với quý III/2021 đã tốt lên và giữ ổn định. Trong đó, gần 50% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và gần 20% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định.
Dự báo tình hình quý I/2022 so với quý IV/2021, có hơn 72% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn và giữ ổn định; phần còn lại khoảng 28% doanh nghiệp dự báo sẽ khó khăn hơn.
Sau khi trở lại sản xuất theo điều kiện thích ứng linh hoạt với Covid-19, khối lượng sản xuất quý IV/2021 đã khởi sắc hơn. Gần 70% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý III/2021.Theo Cục Thống kê TP.HCM, số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng trở lại.
Cụ thể, trong quý IV/2021, có 68% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2021. Dự báo số lượng đơn hàng mới trong quý đầu tiên năm 2022 so với quý IV/2021, có 73% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên.
Phân theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý IV/2021 tăng so với quý III/2021 như sản xuất phương tiện vận tải khác 85,7%; sản xuất đồ uống 75%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học 73%; sản xuất thiết bị điện 71%.
Dự báo kinh tế TP.HCM năm 2022 phục hồi theo hình chữ V
Tính chung cả năm 2021, GRDP TP.HCM giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Cục Thống kê TP.HCM đánh giá đây là mức giảm sâu nhất lịch sử.
Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 13,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,43%.
Cục Thống kê TP.HCM dự báo kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi theo chữ V, kinh tế thế giới vẫn phải đối phó với biến chủng mới của Covid-19 và những bất ổn tiềm tàng về địa chính trị.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế TP.HCM dần hồi phục sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Từ khi mở cửa trở lại, kinh tế TP.HCM đã có cải thiện. Một số ngành nghề được phép mở cửa hoạt động với điều kiện bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch, tăng trưởng GRDP quý IV bằng 88,36% so với cùng kỳ.
Để TP.HCM trở lại vị trị, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, theo Cục thống kê, TP.HCM bên cạnh tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch thì cần thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động.
Song song đó, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Cuối cùng, cơ quan này kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận