Doanh nghiệp khu vực nào tạo ra lợi nhuận lớn nhất?
Khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra hơn 384.000 tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8% tổng lợi nhuận trước thuế của các loại hình doanh nghiệp năm 2017, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 được công bố ngày 10-7.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876.700 tỉ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất, đạt 384.100 tỉ đồng, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Khu vực có lợi nhuận tiếp theo là doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291.600 tỉ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%. Trong năm 2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra ít lợi nhuận nhất, đạt gần 201.000 tỉ đồng, chiếm gần 23%, và có mức tăng lợi nhuận thấp nhất trong các loại hình doanh nghiệp, tăng 1,8%.
Về hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 2,9%. Khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh vượt trội hơn cả khi có ROA đạt 7%. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có ROA đạt 2,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1,8%.
Tương tự, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế năm 2017 đạt 10%. Khu vực doanh nghiệp FDI làm ăn hiệu quả hơn hẳn các loại hình doanh nghiệp khác khi ROE đạt 18,1%. Trong khi khu vực nhà nước có ROE đạt 11,4%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 6,0%.
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 có nội dung về đóng góp ngân sách của cả ba khu vực doanh nghiệp này nhưng thời điểm hiện tại cơ quan báo chí vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ ấn phẩm.
Tuy nhiên, theo phân tích trước đó của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu và lợi nhuận thấp so với các loại hình doanh nghiệp khác nhưng khu vực này lại phải nộp thuế cao nhất.
Thuế, phí khối doanh nghiệp ngoài nhà nước phải nộp chiếm gần 50% tổng thuế thu được từ khối doanh nghiệp, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách khoảng 28% và khu vực doanh nghiệp FDI chỉ nộp ngân sách 26% trong năm 2016. (Thuế mà thực sự doanh nghiệp phải nộp là thuế trực thu, thuế gián thu như giá trị gia tăng về bản chất doanh nghiệp chỉ nộp thay người tiêu dùng).
Xét về thuế trực thu, khu vực FDI chỉ nộp ngân sách 24,5% trong khi khu vực ngoài nhà nước nộp ngân sách là 48%.
Từ năm 2011-2016, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI ngày càng giảm. Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI giảm từ 32,5% năm 2011 xuống còn 24,5% năm 2016, trong khi đó tỷ lệ nộp ngân sách của khu vực ngoài nhà nước tăng từ 35% năm 2011 lên 48% năm 2016.
Theo ông Bùi Trinh, các số liệu này cho thấy chính sách thuế không hề có ưu đãi, khuyến khích gì đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Mọi ưu đãi hầu như chỉ dành cho khu vực DNNN và khu vực FDI.
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, ấn phẩm đầu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ là ấn phẩm thường niên, cung cấp thông tin về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, loại hình doanh nghiệp và địa phương. Trên cơ sở đó, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có thông tin hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững, hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng đại phương. Theo kế hoạch, ngày 22-7-2019: Công bố ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019” trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ngày 1-8-2019: phát hành bản in ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận