Doanh nghiệp khó khăn, thu ngân sách tăng nhờ đâu?
Dù 2021 là một năm bĩ cực của nền kinh tế, khối doanh nghiệp tư nhân cùng với hoạt động nhập khẩu lại đóng góp chủ lực vào tăng thu ngân sách.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại diễn đàn Quốc hội, mới đây đặt câu hỏi, tại sao thu ngân sách năm 2021 vượt dự toán gần 17% trong khi GDP chỉ tăng thấp 2,8% và cho rằng có thể "bất thường" khi doanh nghiệp khó khăn.
Chưa bàn tới "bất thường" nhưng kết quả thu ngân sách năm qua thực sự là "bất ngờ" với ngành tài chính và các địa phương.
Năm ngoái, khi đã gần hết quý III, nhiều lãnh đạo địa phương bày tỏ e ngại không cán đích thu ngân sách được giao. TP HCM - "đầu tàu" vốn đóng góp 20% GDP cả nước là một ví dụ, khi trải qua tổn thất nghiêm trọng về y tế, kéo theo kinh tế tăng trưởng âm, mức chưa từng có tiền lệ.
Ngành tài chính cũng dự báo ngân sách cả nước có một năm khó khăn. Đến tháng 8/2021, thu các sắc thuế như VAT và thu nhập doanh nghiệp vẫn ở mức thấp nhất 20 tháng.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, TP HCM vượt 5% dự toán và tăng gần 3% so với cùng kỳ - nằm trong 60 địa phương hoàn thành và vượt kế hoạch được giao.
Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 1,56 triệu tỷ đồng, vượt hơn 16% so với dự toán. Ở góc độ đảm bảo cân đối tài chính quốc gia, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc hoàn thành dự toán thu ngân sách được một số địa phương đánh giá là kỳ tích giữa "bão dịch".
Việc ngân sách vượt tới 16% so với dự toán là do kế hoạch 2021 được xây dựng đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần ba nên "có phần thận trọng". Nói cách khác, "nền" để tính dự toán khi đó khá thấp.
Bên cạnh đó, để kết luận khách quan tăng thu ngân sách bất thường hay không, cần so sánh với kết quả thu của các năm trước. Trên thực tế, nếu so với năm 2020, thu ngân sách chỉ tăng 3,8% (60.600 tỷ) và 2020 là năm thu ngân sách giảm so với trước dịch. Thu ngân sách của năm 2021 cũng kèm hơn nhiều so với các năm 2019 trở về trước (khi chưa có dịch).
Còn nếu so với hai chỉ tiêu là GDP (tăng 2,58%) và CPI (1,84%), mức tăng 3,8% của thu ngân sách năm 2021 theo Bộ Tài chính, là hợp lý.
Những yếu tố đóng góp vào tăng thu ngân sách theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, đến từ các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi trong năm 2021 như tài chính ngân hàng, chứng khoán, một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô lớn... Kèm theo đó, các hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng dự án, mua bán chứng khoán sôi động... cũng đóng góp tích cực vào thu ngân sách. Ngoài ra, có thể nhìn vào nguồn thu dầu thô tăng gần 30% nhờ giá dầu lên mạnh trong năm 2021.
Số liệu cho thấy, năm 2021, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và thuế VAT hàng nhập khẩu là hai khoản thu đóng góp lớn nhất vào mức tăng thu ngân sách. Nếu so với cùng kỳ, khu vực ngoài quốc doanh trong năm 2021 tăng thu hơn 42.790 tỷ đồng so với năm trước - ghi nhận mức tăng thu cao nhất trong 5 năm trở lại đây (các năm trước dịch chỉ tăng thu dưới 30.000 tỷ mỗi năm).
Dù có sự đóng góp của các ngành nghề tích cực như ngân hàng, chứng khoán... và giao dịch chuyển nhượng bất động sản, dự án sôi nổi, chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh Tế TP HCM) đánh giá, thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng mạnh "vẫn là điều khó hiểu".
"Nhìn lại năm 2021, chúng ta đều nhớ đó là quãng thời gian mà nhiều người dân và doanh nghiệp gần như tới giới hạn chịu đựng sau nhiều đợt dịch kéo dài", ông Bảo nói. Trong bối cảnh đó, tăng thu cao từ khu vực doanh nghiệp vẫn là câu hỏi theo ông, chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Ông Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cũng đánh giá đóng góp của một số ngành và lĩnh vực tới thu ngân sách. Nhưng ông lại cho rằng, thực tế nguồn thu thuế tăng một phần nhờ giá hàng hóa (gồm cả trong và ngoài nước) dâng lên - vốn không được phản ánh vào CPI.
Khi giá cả tăng thì thu thuế tính theo tỷ lệ phần trăm cũng tăng nhanh. Lấy ví dụ giá xăng dầu tăng khoảng 40% trong năm 2021, theo đó, thuế VAT thu được trên mỗi lít xăng cũng tăng theo. Không chỉ giá xăng, nhiều hàng hoá khác là nguyên vật liệu cơ bản (trong đó có thép, xi măng) và nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cũng tăng giá trong năm qua.
Việc giá hàng hóa tăng theo chuyên gia này, đồng thời được phản ánh vào nguồn thu khu vực doanh nghiệp và thu các loại thuế nhập khẩu (cùng với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng gần 27% và đạt kỷ lục trong năm 2021). Đây đồng thời là hai khoản đóng góp nhiều nhất vào mức tăng thu ngân sách năm 2021.
Bóc tách cơ cấu ngân sách, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và thuế VAT hàng nhập khẩu cũng là hai khoản thu hiếm hoi trong năm 2021 có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước dịch Covid-19.
Theo Kinh tế trưởng VEPR, giá hàng hoá tăng mang lại "con số đẹp" cho thu ngân sách nhưng ở một khía cạnh khác, đây là gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người dân khi giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, kéo theo giá hàng hóa. Điều này theo ông sẽ càng thể hiện rõ trong năm nay khi áp lực lạm phát hiện rõ.
Trong bối cảnh doanh nghiệp chịu áp lực tăng chi phí trong kinh tế khó khăn, Chính phủ cũng đã có phản ứng vào đầu năm nay. Chính sách giảm thuế VAT 2% từ đầu tháng 2/2022 đến hết năm được kỳ vọng giúp giảm giá hàng hóa cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, ngân sách nhà nước dự kiến cũng giảm thu hơn 51.000 tỷ đồng, chủ yếu do giảm nguồn thu VAT.
"Khoản tiền 51.000 tỷ đồng ngân sách hy sinh là con số lớn" nhưng theo ông Phạm Thế Anh, chính sách giảm VAT 2% không có nhiều ý nghĩa do mức giảm ít và dàn trải trên nhiều mặt hàng.
Điều cần kíp theo ông lúc này là giảm thuế, phí tập trung cho những mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hay xăng dầu... đang tăng giá mạnh gần đây. Ngân sách theo đó có thể sẽ phải "co kéo" hơn nhưng đổi lại, đó là liều thuốc cần kíp để hỗ trợ nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận