Doanh nghiệp khó có thể thể kéo dài "3 tại chỗ"
Với mỗi doanh nghiệp, phương án "3 tại chỗ" không đơn giản chỉ là vấn đề ăn, ngủ cho nhân viên mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động ổn định trong một thời gian dài…
Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cho biết, họ đang bị “đè” nặng bởi hàng loạt chi phí phát sinh như chi phí duy trì bếp ăn cho công nhân, hậu cần chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa (logistics), cước vận tải biển, nguyên vật liệu… Tất cả đều tăng giá và khó tiếp cận.
GÁNH NẶNG CHI PHÍ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trước kia, mọi chi phí nguyên vật liệu đã tăng, nay doanh nghiệp lo thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí chi phí điện, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển đều tăng từ 5 - 7 lần.
Bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ buộc đóng cửa. Để tìm nguồn cung thay thế, các doanh nghiệp liên tục tìm các nhà cung cấp, tuy nhiên hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc.
Với ngành dệt may, theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, do đặc thù là ngành có số lượng lao động đông nên rất khó bố trí sản xuất “3 tại chỗ.” Hiện chỉ có khoảng từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động từ 35 - 40%.
Việc gián đoạn sản xuất khiến đầu ra và dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nặng nề. Một số doanh nghiệp không có nguồn tiền để tạm ứng trả lương cho công nhân trước khi có hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi, nhiều hợp đồng thư tín dụng (L/C) với đối tác nước ngoài đến hạn phải thanh toán. Đó là chưa kể, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì “3 tại chỗ”… không phải là con số nhỏ.
Bên cạnh chi phí cho việc ăn - ở - sản xuất là gánh nặng chi phí xét nghiệm. Bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải cho biết, công ty đã trưng dụng nhiều khu vực tại 2 nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) để làm lấy chỗ ăn ngủ cho 850 công nhân, nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và các sản phẩm thủy hải sản, nông sản phục vụ cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm hiện nay đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.
"Mỗi kit test nhanh Covid-19 doanh nghiệp mua giá 150.000 đồng để test cho công nhân. Với số lượng hơn 800 nhân viên, theo định kỳ cứ 7 ngày một lần công ty lại phải chi hơn 100 triệu đồng cho khoản xét nghiệm Covid-19. Về lâu dài, không biết chúng tôi có cầm cự được không,” bà Đặng Thị Phương Ninh chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Thảo Viên, Giám đốc nhân sự của CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre, cho biết việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy là rất nặng bên cạnh những chi phí sinh hoạt khác. Lượng công nhân lớn mà phương án sản xuất này kéo dài cả tháng thì chi phí sẽ đội lên cao. “Việc áp dụng “3 tại chỗ” trong thời gian dài có thể khiến doanh nghiệp khó tiếp tục hoạt động,” bà Thảo Viên cho biết.
NHỮNG KIẾN NGHỊ CẤP BÁCH
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho biết, trong lúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ". Việc duy trì sản xuất - kinh doanh trong điều kiện "3 tại chỗ" càng khó khăn hơn vì rất nhiều vướng mắc phát sinh trong khâu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa lẫn việc tổ chức thu mua, nhập hàng và đặc biệt căng thẳng trong việc chăm lo, ổn định doanh nghiệp. Vì vậy, HUBA đã kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" thế nào để thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động trong giai đoạn khó khăn này.
"Trước đây, thành phố đã ban hành 6 bộ tiêu chí phòng chống dịch cho các doanh nghiệp, nay đề nghị thành phố ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn tổ chức sản xuất theo "3 tại chỗ" cho phù hợp. Tháo gỡ các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, kho bãi, hỗ trợ phục hồi các chuỗi cung ứng trong nước. Cùng với đó là cung cấp nguồn vốn, chính sách giãn nợ thuế”, ông Chu Tiến Dũng nói.
Ngoài ra, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng việc ổn định tâm lý cho cán bộ, công nhân viên hết sức quan trọng. Một trong những giải pháp để giúp người lao động an tâm sản xuất là được tiêm vaccine. Nhưng hiện nay với khối doanh nghiệp thông tin vẫn chưa rõ ràng, ngành nào, doanh nghiệp nào được tiêm không ai nắm rõ, khiến tâm lý người lao động và chủ doanh nghiệp rất bất an.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng cho biết HUBA đang nỗ lực kiến nghị với TP.HCM để các doanh nghiệp sớm được tiếp cận nguồn vaccine. Trong đợt 5 tiêm vaccine vừa qua, thành phố ưu tiên cho đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh lý nền, người nghèo, người yếu thế, các tiểu thương, người kinh doanh lẻ cũng như doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu (lương thực - thực phẩm).
"Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ được xem xét cho các đợt tiếp theo, khả năng vào tháng 8, 9 khi có nhiều vaccine hơn. Hiện thành phố đã quyết định thành lập Trung tâm Điều phối tiêm vaccine, các doanh nghiệp cần bình tĩnh chờ giải pháp thích hợp từ thành phố," ông Dũng nói.
Để giữ vững "mục tiêu kép", các doanh nghiệp kiến nghị nên giãn biên độ xét nghiệm định kỳ cho người lao động, bởi khi áp dụng phương án "3 tại chỗ" thì toàn bộ người lao động làm việc trong mỗi nhà máy, xí nghiệp đã có xét nghiệm âm tính và trong thời gian làm việc họ không tiếp xúc với bên ngoài.
Để hỗ trợ cho những doanh nghiệp không thể chủ động về nguồn cung các bộ xét nghiệm (kit), HUBA đã ký hợp tác với Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM để tiến hành xét nghiệm tại doanh nghiệp. Cụ thể, hợp đồng xét nghiệm này được giảm với giá chỉ 280.000 đồng/lần/người. Tiếp đó, HUBA sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước thấu hiểu cho doanh nghiệp để đề ra các chính sách, giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn.
Theo khảo sát nhanh với 100 doanh nghiệp của HUBA: hiện 42% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 54% khó khăn tiếp cận thị trường, 62% khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, 86% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 do phải cách ly, giãn cách xã hội…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận