Doanh nghiệp "khát vốn", ngân hàng không dám cho vay vì bị "siết" đầu ra
Nhu cầu vốn từ các doanh nghiệp và thị trường đang tăng trở lại khi nền kinh tế hồi phục sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng hiện không dám “mạnh tay” cho vay, bởi chỉ tiêu tín dụng được giao hạn chế.
Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần quản lý các ngân hàng thương mại bằng hệ số an toàn vốn (CAR) chứ không phải quản lý bằng công cụ trực tiếp, hành chính như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì cho hay, hiện nay, các đơn hàng tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2020, nên nhu cầu vốn của công ty khá lớn. “Doanh nghiệp chúng tôi cũng được xếp vào dạng tín nhiệm cao, nhưng để vay khoảng 100 tỷ đồng tại một ngân hàng vào thời điểm này rất khó. Vì vậy, doanh nghiệp phải vay ở 3 ngân hàng thương mại”, vị này chia sẻ.
Đây cũng là thực trạng của nhiều doanh nghiệp, nhưng không phải đơn vị nào cũng dễ dàng vay được vốn. Giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại Hà Nội cho biết, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay, doanh nghiệp cần thêm 20 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu. Tuy nhiên, gần một tháng qua liên hệ đến các chi nhánh của nhiều ngân hàng vẫn chưa vay đủ số tiền này. “Chúng tôi chỉ có mỗi nhà xưởng là tài sản thế chấp, nên chỉ vay được một ngân hàng, nhưng số tiền vay chỉ mới được một nửa nhu cầu. Số còn lại, chúng tôi tính vay thế chấp, nhưng không ngân hàng nào đồng ý”, giám đốc doanh nghiệp bộc bạch.
Đại diện Sacombank tiết lộ, rất nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp liên hệ đến các chi nhánh của ngân hàng vay vốn. Nhưng do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Sacombank năm nay chỉ khoảng 9% nên ban lãnh đạo phải tính toán lại chỉ tiêu cho từng đơn vị để cân đối phù hợp. Dòng vốn cũng được ngân hàng xác định tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hạn chế "chảy" vào bất động sản để đầu cơ, "lướt sóng"…
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 ở mức 12%, vì vậy hạn mức tăng trưởng giao cho các ngân hàng thương mại sẽ tương đương với năm ngoái. Tại cuộc họp báo quý I/2020 mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo thanh khoản hệ thống và ổn định lãi suất. Từ nay đến cuối năm, tùy diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch Covid-19 trong nước và quốc tế, NHNN sẽ có chính sách điều hành tín dụng phù hợp.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhấn mạnh: "Quan điểm điều hành tín dụng của NHNN là phải đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế, khuyến khích cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, phải kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận