Doanh nghiệp khất nợ tiền trái phiếu: Trách nhiệm Bộ Tài chính ra sao?
Trước hàng loạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu tìm mọi cách thương lượng với nhà đầu tư nhằm che giấu khó khăn, không thể trả tiền lãi, nợ gốc…, chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trong xử lý tình trạng này.
Nhà đầu tư kêu cứu vì doanh nghiệp phát hành trái phiếu không mua lại đúng hạn. Ảnh: Nguyễn Bằng
Bà T.T.C (thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết, tháng 8/2022, thông qua tư vấn của nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán SmartInvest (địa chỉ 222 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội), bà bỏ ra 800 triệu đồng mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) do công ty này tư vấn phát hành. Mới đây bà được nhân viên công ty này liên hệ và đề nghị ký phụ lục gia hạn thời gian tất toán hợp đồng thêm 1 năm do doanh nghiệp đang gặp khó khăn. “Với người già 70 tuổi như tôi, giờ cũng không biết làm sao và kêu cứu cơ quan nào giúp đỡ”, bà C nói.
Hàng loạt nhà đầu tư mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thời gian qua cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong cuộc trao đổi với nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc TVSI cho biết, hiện công ty không có tiền để mua lại số TPDN đã bán.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, sau khi ồ ạt phát hành trái phiếu, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star cho biết, phải chậm thanh toán hơn 51 tỷ đồng tiền lãi và gốc của lô trái phiếu đáo hạn vào ngày 13/1/2023. Công ty Cổ phần Lavida Invest (Lavida) cũng vừa công bố khất nợ thanh toán tiền gốc lô trái phiếu trị giá 62 tỷ đồng, có thời hạn thanh toán vào 8/2023. Ngày 8/2/2021, Lavida phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và có đảm bảo bằng tài sản với lãi suất cố định 11%/năm.
Công ty Cổ phần Lâu Đài Trắng thì cho biết, đã báo cáo cơ quan chức năng về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu có kỳ hạn với 2 năm, tổng trị giá 240 tỷ đồng. Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) cũng công bố lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu 118,7 tỷ đồng 1 năm, dự kiến thanh toán vào 27/10/2023.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng công bố chậm thanh toán lãi, mua lại trái phiếu như: Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú; Công ty CP Fuji Nutri Food; Công ty CP BCG Energy, thành viên của Bamboo Capital lùi thời gian thanh toán gốc lô trái phiếu chuyển đổi không tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền giá trị gần 116 tỷ đồng, dự kiến đáo hạn ngày 5/9/2022.
Chỉ cảnh báo thôi chưa đủ
Từ năm 2021 tới nay, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo về thị trường TPDN rằng, nhà đầu tư tự đánh giá mức độ rủi ro trong đầu tư trái phiếu, Bộ Tài chính cũng chưa công bố bất cứ quyết định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sai phạm trong phát hành TPDN.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Võ Trí Thành cho rằng, cần có giải pháp giải quyết tình thế cho TPDN. Về lâu dài, cần giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh. Bản thân doanh nghiệp có vấn đề nhưng cũng có vấn đề thiết kế chính sách của Bộ Tài chính đối với thị trường TPDN. Hiện nay, Bộ Tài chính đang sửa chính sách.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế cho rằng, với vai trò là cơ quan thiết kế, định hướng chính sách, phòng ngừa rủi ro thị trường nhưng Bộ Tài chính đưa ra phát ngôn cảnh báo như trên là phủi trách nhiệm. Điều 8 và 9, Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định khoản mục trách nhiệm của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính. Nghị định số 87/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính cũng nhắc lại điều này. Pháp luật cũng không giao nhiệm vụ cho bộ, ngành nào khác trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo ông Đức, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm với sự phát triển của thị trường trái phiếu. Là đơn vị làm chính sách nhưng chính sách có vấn đề, Bộ Tài chính làm theo kiểu không quản được thì cấm, dẫn tới không điều tiết được thị trường, không cân bằng được lợi ích các bên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận