Doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ có đúng luật không?
Vấn đề vốn điều lệ của Doanh nghiệp Việt Nam luôn trong tình trạng "nóng", có nhiều lầm tưởng, tùy tiện khi đăng ký/tăng vốn điều lệ của Doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp suy nghĩ đơn giản việc đăng ký, tăng vốn điều lệ theo tùy thích, thậm chí đăng ký vốn ảo, không góp vốn theo đúng cam kết (hay gọi cách khác là khai khống vốn điều lệ).
Pháp luật Việt Nam cấm khai khống vốn điều lệ?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 điều 16 Luật doanh nghiệp thì cấm: "Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị."
Theo đó, không được kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký hay cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị vì hành vi này bị nghiêm cấm.
Căn cứ theo quy định tại điều 47 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt với hành vi khai khống vốn điều lệ như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Tại sao vẫn có tình trạng khai khống vốn điều lệ?
Có rất nhiều lý do cho việc nhiều chủ doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ, có thể kể đến như để tham gia đầu thấu, ký kết, thực hiện các hợp đồng giá trị lớn. Nhưng thực tế các chủ doanh nghiệp chỉ có các "mối quan hệ" để giành được các gói thầu, hợp đồng hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để giành lấy các gói thầu, hợp đồng. Thực tế chủ Doanh nghiệp không hề có đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam có quy định cấm, xử phạt hành vi khai khống vốn điều lệ, nhưng các cơ chế, biện pháp bắt buộc nộp đủ vốn điều lệ chưa đủ mạnh, chưa sát sao. Hồ sơ, thủ tục đăng ký vốn điều lệ quá dễ dàng, không có quy chế nào bắt doanh nghiệp phải báo cáo về tình trạng đã nộp đủ vốn điều lệ theo thời hạn đã cam kết.
Những hệ quả khôn lường của tình trạng khai khống vốn điều lệ?
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng nhất đó là việc năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn triển khai dự án không đảm bảo. Dẫn đến các dự án trì trệ, kéo dài, khó có khả năng thực hiện. Gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn cho các dự án, các nhà đầu tư.
Trách nhiệm của các chủ sở hữu, cổ đông, thành viên công ty đối với các khoản nợ, nghĩa vụ không được đảm bảo, thực hiện. Mặc dù Luật có quy định trách nhiệm của cổ đông/ thành viên trong giới hạn vốn điều lệ cam kết góp. Trường hợp này các cổ đông/thành viên vẫn được hiểu đang còn nợ tiền công ty.
Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp các công ty lợi dụng vào việc tăng vốn điều lệ ảo để chiếm dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Nếu như chúng ta có các cơ chế, biện pháp đủ mạnh để xử lý tình trạng này thì giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ xảy ra từ việc khai khống doanh nghiệp. Liệu có thể bắt Doanh nghiệp trong thời hạn luật định buộc phải nộp thông báo, kèm theo xác nhận của ngân hàng về việc đã nộp đủ vốn điều lệ hay không? Nếu quá hạn không nộp thì cần có biện pháp cưỡng chế mạnh, hoặc đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của Doanh nghiệp? Có như vậy, hoạt động của Doanh nghiệp mới lành mạnh, tuân thủ pháp luật, đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận