Doanh nghiệp kêu cứu vì thiếu “giấy đi đường”
Theo văn bản của UBND TP.HCM, từ 0h ngày 25/8 các mẫu giấy đi đường đã cấp sẽ hết hiệu lực, các doanh nghiệp phải sử dụng theo mẫu mới của Công an TP.HCM.
Theo quy định của UBND TP.HCM, các nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu được Sở Công thương TP.HCM cấp giấy đi đường trên cơ sở hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cho biết đến thời điểm hiện nay đã gửi đơn đến Sở Công thương TP.HCM nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, cho hay hiện gần 700 nhà máy/doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ" và "một cung đường - hai điểm đến" đang gặp nhiều khó khăn vì giấy đi đường. "Quy định hiện hành, đối với các phương tiện vận tải hàng hóa (bao gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cấp QR code thì không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường nhưng trong thực tế ngày 23 và 24/8, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt kiểm soát hỏi thẻ đi đường.
Vì vậy, kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và UBND thành phố thông báo rõ đến tất cả các lực lượng kiểm soát, kiểm tra trên địa bàn thành phố không kiểm tra thẻ này. Thậm chí, xe đưa rước công nhân thuộc diện “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến” cũng bị yêu cầu giấy phép.
Theo các doanh nghiệp, quy định của UBND TP.HCM, các nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu được Sở Công thương TP.HCM cấp giấy đi đường trên cơ sở hồ sơ đăng lý. Tuy vậy, các hiệp hội phản ánh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được phản hồi từ Sở Công thương. Thế nhưng phía Sở Công thương TP.HCM cho rằng đơn vị chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp), còn UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.
Trong khi hiện tại, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc xuất nhập khẩu đều do nhân viên tự làm thủ công, doanh nghiệp xuất khẩu rất ít đơn vị sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics chuyên nghiệp. Việc thay đổi liên tục quy trình đăng ký cấp giấy đi đường cũng khiến doanh nghiệp gặp khó. Trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ, tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ, ứng dụng công nghệ để cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email để làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát, đến trụ Sở Công thương TP.HCM đóng dấu.
Để giảm tải cho các sở, ban, ngành, các hiệp hội cũng đề nghị được đảm nhận vai trò là đầu mối lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu để gửi tới Sở Công thương TP.HCM. Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký, quản lý người lao động. Doanh nghiệp không phải hội viên hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục tại Sở Công thương và địa phương.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần có hướng dẫn thống nhất, tránh thay đổi liên tục. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xử lý hồ sơ ít, chủ yếu làm thủ công, trong khi nhu cầu lên tới hàng chục ngàn doanh nghiệp. Vì vậy, ông Minh đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, giấy tờ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận