Doanh nghiệp Hoa Kỳ đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế với thép chống ăn mòn Việt Nam
Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn của Việt Nam sản xuất từ thép cán nguội và thép cán nóng nhập khẩu từ Nhật Bản…
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sản xuất từ thép cán nguội (CRS) và thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản.
Nguyên đơn của vụ việc là Công ty Steel Dynamics, Inc. (SDI). Sản phẩm bị cáo buộc: một số sản phẩm thuộc các mã HS 7210.30.00, 7210.41.00, 7210.49.00, 7210.61.00, 7210.69.00, 7210.70.60, 7210.90.60, 7210.90.90, 7212.20.00, 7212.30.10, 7212.30.30, 7212.30.50, 7212.40.10, 7212.40.50, 7212.50.00, 7212.60.00; và các mã HS: 7210.90.10, 7215.90.10, 7215.90.30, 7215.90.50, 7217.20.15, 7217.30.15, 7217.90.10, 7217.90.50, 7225.91.00, 7225.92.00, 7225.99.00, 7226.99.01, 7228.60.60, 7228.60.80, 7229.90.10.
Theo đó, nguyên đơn cáo buộc sau khi Hoa Kỳ điều tra và áp thuế chống bán phá giá với thép cán nguội và thép cán nóng từ Nhật Bản năm 2015, lượng nhập khẩu CRS-HRS từ Nhật Bản vào Hoa Kỳ giảm đáng kể, trong khi đó lượng nhập khẩu CORE từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam đã nhập khẩu CRS-HRS từ Nhật Bản để sản xuất sản phẩm bị điều tra và việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể” do quá trình sản xuất tại Việt Nam chỉ thêm một phần nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm thép CORE xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Hiện tại, Hoa Kỳ đang duy trì mức thuế chống bán phá giá với CRS nhập khẩu từ Nhật Bản là 71,35% và HRS là 26,81%.
Trước đó, vào năm 2018, Hoa Kỳ đã từng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc và đều ra kết luận cuối cùng có lẩn tránh thuế và mức thuế bị áp dụng là mức thuế hiện đang áp dụng với nước lẩn tránh (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Tuy nhiên, nếu chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ ngoài 03 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế).
Cục Phòng vệ thương mại cũng thông tin về quy trình, thủ tục điều tra, theo quy định của Hoa Kỳ, DOC sẽ có thời hạn 30 ngày để xem xét đơn kiện và sẽ ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng.
Do đó, Cục phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu liên quan cần chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm thép bị điều tra sang Hoa Kỳ.
Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ. Tuân thủ đúng các thời hạn trả lời, cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để có được sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận