Doanh nghiệp hiến kế phát triển nhà ở giá rẻ
Nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TP.HCM luôn cao theo mức tăng dân số hàng năm, nhưng số lượng dự án nhà ở phân khúc này lại có xu hướng giảm dần.
Mua được nhà là giấc mơ xa xỉ
Vào TP.HCM làm công nhân được gần 15 năm, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài và anh Phạm Đình Hải (quê Thừa Thiên - Huế) vẫn phải thuê trọ. Căn phòng cấp 4 rộng chưa đầy 15 m2 là chỗ ở của 5 thành viên trong gia đình chị Hoài.
Chỗ ở chật chội, ẩm thấp, nên cháu nhỏ thường xuyên ốm đau khiến chị thường phải xin nghỉ làm để ở nhà phụ bà chăm cháu. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chưa tới 10 triệu đồng, nhưng chi phí thuê nhà, sinh hoạt thì không ngừng tăng.
Cầm trên tay quyển sổ chi tiêu hàng tháng, chị Hoài nhẩm tính, riêng tiền thuê nhà, điện, nước mỗi tháng đã mất hơn 3 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền học hành, ăn uống, sinh hoạt phí của cả gia đình, nên tiền lương nhận tháng nào tiêu hết tháng đó, gần như không có tích lũy.
“15 năm hai vợ chồng làm việc ở Sài Gòn nhưng giấc mơ mua được ngôi nhà riêng vẫn rất xa vời. Cứ đến kỳ nhận lương lại lo đóng tiền nhà, lúc nào cũng nơm nớp lo chủ nhà không cho thuê. Chưa kể, các con đang lớn dần, không thể ở mãi trong căn phòng trọ chật chội được. Nếu cứ đà này cũng phải tính đến nước bỏ việc về quê làm ruộng, ít nhất ở đó cũng có nhà cửa của bố mẹ”, chị Hoài than thở.
Thực tế, tâm sự của chị Hoài cũng là nỗi niềm của nhiều người dân xa quê tìm đến những “mảnh đất hứa” để làm việc. Giấc mơ về một chỗ ở cố định để sống và làm việc ngày càng xa vời.
Chị Nguyễn Thị Tâm (quê Quảng Trị) làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) cho biết, vợ chồng chị làm công nhân đã gần chục năm, tích góp được một số tiền “kha khá”, nhưng tìm mãi cũng không có căn nhà nào vừa với túi tiền.
Trường hợp của gia đình chị Hoài hay chị Tâm chỉ là con số rất ít trong số những người đang phải chật vật để kiếm được chỗ an cư tại TP.HCM.
Hiện TP.HCM có hơn 476.000 hộ chưa có nhà ở, cùng với đó là có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ. Chưa kể, cứ mỗi 5 năm, TP.HCM lại đón nhận thêm 1 triệu người, khiến cho áp lực về nhà ở luôn ở mức cao.
Con số này được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp nhà ở đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2035” được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, toàn Thành phố hiện có khoảng 8,9 triệu người thường trú, kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng, với mức tăng trung bình 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Hằng năm, Thành phố có thêm khoảng 60.000 cháu sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.
"Rào cản đối với người thu nhập thấp ở đô thị khi tạo lập nhà ở là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp. Mặt khác, giá nhà cao gấp 20 - 25 lần so với thu nhập bình quân, trong khi ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp 5 - 7 lần. Ngoài ra, chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở cũng gần như không có sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc", ông Châu phân tích.
Cùng chung nhìn nhận, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, dân số đông, nhưng sự phân bố dân cư chưa hợp lý. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.
Do đó, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP.HCM.
Cần sớm giải quyết vướng mắc thủ tục
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước nên khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho rằng, nhu cầu nhà ở cao nên nảy sinh tình trạng sang lô bán nền trái pháp luật, xây dựng trái phép. Nguồn cung chung cư cũng hết do dự án mới được phê duyệt rất chậm bởi một số chính sách giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở mâu thuẫn nhau.
Một lý do khác khiến nguồn cung nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp bị thiếu hụt là do lợi nhuận doanh nghiệp thu về không nhiều, triển khai không hiệu quả. Lấy ví dụ từ chính công ty mình, ông Nghĩa cho biết, doanh nghiệp ông đã nộp đơn xin triển khai dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) từ tháng 3/2019, nhưng đến nay vẫn nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó, khu vực này nằm trong quy hoạch ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.
"Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất có thể, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư", ông Nghĩa nêu ý kiến.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, Thành phố đang thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm đáp ứng nhà ở cho người có nhu cầu thật, người sở hữu nhà lần đầu. Đây là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm, tạo điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp.
Thành phố có thể cân nhắc những khu đất chừng 10 ha tại các khu vực quy hoạch phát triển để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Nếu làm được việc này, thị trường mới phát triển bền vững, đẩy lùi được tình trạng mua nhà để đầu tư nhiều hơn mua nhà để phục vụ nhu cầu sinh sống thực tế như hiện nay.
Trong khi đó, lấy kinh nghiệm thực tiễn từ mô hình mà Thái Lan đang áp dụng, GS. Yap Kioe Sheng, Viện Công nghệ châu Á nhấn mạnh rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu. Chúng ta không muốn có những gia đình sống trong các khu ổ chuột thì phải xây dựng được những ngôi nhà giá rẻ có thể cạnh tranh được với ngôi nhà tạm bợ đó. Đặc biệt, cần có những loại nhà ở đa dạng ở nhiều địa điểm để phù hợp với nhiều người khác nhau.
“Vào những năm 1980, Cơ quan quốc gia Thái Lan đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà cho người thu nhập thấp và trợ giá với mức thuê nhà chỉ còn 10 - 15 USD/tháng để tái định cư cho những người sống tại các khu ổ chuột. Sau 10 - 15 năm, 50% căn hộ này đã được chuyển giao cho người thuê.
Nhà ở cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình có liên quan với nhau. Nếu không có đủ nhà, những người có thu nhập trung bình sẽ mua lại nhà ở từ những hộ có thu nhập thấp. Khi đó, lại đẩy người thu nhập thấp quay lại các khu ổ chuột”, ông Yap Kioe Sheng phân tích.
Hiện nay, Thái Lan có những chương trình làm việc với người dân, trao đổi với họ để có được giải pháp nhà cửa phù hợp nhất. Có mô hình ngôi nhà trung bình với chi phí trung bình, phù hợp với số đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận