24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mạc Văn Chiến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp “giong buồm ra khơi” sau khủng hoảng: Đâu là bến đỗ?

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã “giong buồm” xuôi về phía Nam và nhanh chóng “cập bến” Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong khủng hoảng.

Trong những năm gần đây, việc quan hệ Mỹ-Trung xuống cấp nghiêm trọng cùng xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế đã làm thay đổi cục diện địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng “cập bến” Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong khủng hoảng.

Trong khi nhiều công ty vẫn chưa kịp lấy lại tinh thần, một số “ông lớn” trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đã “giong buồm” xuôi về phía Nam. Cụ thể, trong năm 2020, lần lượt Alibaba, ByteDance, Tencent đã tuyên bố đặt trụ sở khu vực ở Singapore.

Tháng 9/2020, tập đoàn công nghệ Huawei đầu tư xây dựng trung tâm sáng tạo 5G ở Thái Lan. Đến tháng 4/2021, Tencent Cloud tuyên bố chính thức khai trương trung tâm dữ liệu điện toán đám mây đầu tiên ở Indonesia. Tháng 2/2021, SF Express tuyên bố mua lại hơn 50% cổ phần của Kerry Logistics Network, với trọng điểm tập trung vào thị trường Đông Nam Á.

Đông Nam Á: “Miền đất hứa” cho hợp tác kinh tế-thương mại

Không giống với các dự án xây dựng hạ tầng truyền thống do doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chủ trì, trong những năm gần đây, thuộc tính kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc “hướng Nam” đã gần gũi hơn với đời sống của người dân, tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ nền tảng video ngắn và trò chơi như TikTok hay PUBG Mobile của Tencent, cũng như các nền tảng mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng thường xuyên sử dụng. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin trong nước, những doanh nghiệp công nghệ này của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh tương đối mạnh ở Đông Nam Á.

Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phối hợp với nhau đã hình thành bức tranh nổi bật về sự tăng trưởng ngược dòng của đầu tư Trung Quốc đối với ASEAN trong năm 2020.

Theo số liệu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm mạnh 42% trong năm 2020. Trong bối cảnh như vậy, vốn đầu tư nước ngoài mà các nước ASEAN thu hút được cũng giảm 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp của nước này vào ngành công nghiệp an ninh ASEAN đạt 14,36 tỷ USD trong năm 2020, tăng 52,1% so với cùng kỳ, trong đó ba điểm đến đầu tư hàng đầu là Singapore, Indonesia, Việt Nam.

Tổng dân số 10 nước ASEAN khoảng 660 triệu người, với tầng lớp trung lưu không ngừng mở rộng. Đây được coi là một thị trường lớn khác của khu vực ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Chủ tịch Hội đồng Thương mại Trung Quốc-ASEAN Hứa Ninh Ninh, đầu tư của Trung Quốc đối với ASEAN có thể chia thành 5 loại: Xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), sản xuất lắp ráp, dự án công trình, bất động sản, thương mại điện tử và kinh tế số.

Theo phân tích của chuyên gia Hứa Ninh Ninh, thị trường đa dạng và trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau của các nước Đông Nam Á đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc, tính bổ trợ về tài nguyên và sản xuất công nghiệp của hai bên mạnh, cộng thêm các nhân tố tự nhiên như Đông Nam Á và Trung Quốc gần gũi về mặt địa lý… đều mang lại không gian rộng lớn cho hợp tác kinh tế-thương mại của hai bên trong thời hậu dịch bệnh.

Singapore: Cầu nối quốc tế của doanh nghiệp Trung Quốc

Singapore luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình thâm nhập Đông Nam Á của doanh nghiệp Trung Quốc. Trong những năm gần đây, vai trò của nước này cũng dần chuyển từ trung tâm thương mại sang trụ sở chính khu vực và trung tâm tài chính hiện nay.

Doanh nghiệp “giong buồm ra khơi” sau khủng hoảng: Đâu là bến đỗ?

Theo trợ lý Cục trưởng Cục phát triển kinh tế Singapore Lý Quốc Cường, những doanh nghiệp đến Singapore trong thời gian gần đây chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ. Điều này cũng phản ánh xu thế tăng trưởng nhanh của các công ty công nghệ và kỹ thuật số trong những năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.

Giám đốc tiếp thị của công ty công nghệ tài chính IceKredit (Trung Quốc) Chu Dương cho rằng Singapore là quốc gia ASEAN phát triển nhất, với hệ thống chính trị và tài chính ổn định, chính sách cũng rất minh bạch, do đó thông qua Singapore để lan tỏa đến các nước khác trong khu vực là biện pháp hợp lý.

Đồng quan điểm này, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Trung Quốc của Ngân hàng OCBC Tạ Đống Minh cho rằng sự hòa hợp giữa Trung Quốc và phương Tây, trong đó “Trung Quốc tín nhiệm, phương Tây cũng tín nhiệm” là ưu thế lớn nhất của Singapore. Theo một báo cáo của BBC vào năm ngoái, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu, việc đặt văn phòng khu vực ở Singapore là một “trọng điểm chiến lược” của doanh nghiệp Trung Quốc.

Mặc dù vậy, việc các doanh nghiệp Trung Quốc “giong buồm ra khơi” hướng về Đông Nam Á không hoàn toàn thuận lợi, một trong những rào cản trong đó là vấn đề khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ đã dẫn đến mâu thuẫn giữa nhà đầu tư đến từ bên ngoài và địa phương.

Theo chuyên gia cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak của Singapore Đàm Tiểu Yến, hiện nay chưa có số liệu rõ ràng có thể đánh giá tình hình tổng thể doanh nghiệp Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, xét từ lĩnh vực cụ thể, những doanh nghiệp Trung Quốc đã mua bất động sản ở các nước Đông Nam Á như Malaysia và xem đó là “ngôi nhà thứ hai” đã buộc phải bán đi do không thể ra nước ngoài vì dịch bệnh, cộng thêm quy định Trung Quốc hạn chế đầu tư vào bất động sản và nhà hàng khách sạn ở nước ngoài trong những năm gần đây đã gây ảnh hưởng nhất định đối với các nhà kinh doanh phát triển bất động sản./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả