Doanh nghiệp gia đình: Để thế hệ F2 “quản nghiệp” bền vững
Để thế hệ lãnh đạo F2 quản lý doanh nghiệp hiệu quả, bền vững, các doanh nghiệp cần phải xây dựng được một hệ thống quản trị doanh nghiệp minh bạch rõ ràng trước khi chuyển giao.
Tại buổi Tọa đàm “Thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ lãnh đạo của doanh nghiệp gia đình” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bảo trợ thông tin, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, cần phải xây dựng một hệ thống quản trị doanh nghiệp minh bạch.
Cần một hệ thống quản trị minh bạch
Là một lãnh đạo thuộc thế hệ F2, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát (THP) cho rằng, nếu muốn phát triển và tồn tại bền vững, các doanh nghiệp gia đình cần phải xây dựng được các chính sách, quy trình, cơ chế quản lý, cơ chế phân quyền rất rõ ràng.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhìn nhận: Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có tham vọng đứng vững và phát triển một cách bền vững thì phải xây dựng được một hệ thống quản trị ổn định và phải có định hướng phát triển rõ ràng. Cần phải thống nhất với nhau về một giá trị cốt lõi, về một hệ thống quản trị, những nguyên tắc về văn hóa, về đạo đức kinh doanh bên cạnh một hệ thống pháp lý bền vững.
Để có một nền kinh tế vững chắc, chúng ta cần có nhiều doanh nghiệp gia đình lớn, bởi vì không có gì trường tồn bằng gia đình, dòng tộc.
Bên cạnh đó, bà Kim Hạnh cũng cho rằng các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ F2 phải có sự huấn luyện, hướng dẫn từ những người đi trước, để cả thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai thấy rằng mình phải sẵn sàng thay đổi và học hỏi những gì mà mình còn thiếu, những gì mình chưa hoàn toàn phù hợp với một giai đoạn mới.
Sáng nghiệp đã khó, quản nghiệp còn khó hơn
Ở một góc độ khác, ông Trần Phong Lan – Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn SeaCorp cho rằng, có 2 nền tảng mà những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ F1 phải làm để chuẩn bị cho các lãnh đạo thế hệ F2, F3 quản nghiệp được bền vững và trường tồn.
Thứ nhất, phải xây dựng được một nền tảng pháp lý vững chắc cho công ty; nền tảng pháp lý là những quy trình, quy chế, quy định và phải quản lý công ty một cách rõ ràng, minh bạch, có quy định chức danh các vị trí cụ thể và cơ hội sẽ dành cho tất cả mọi người bằng một hệ thống pháp lý công bằng.
Thứ hai, phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, chuỗi giá trị doanh nghiệp, đó là phần hồn của doanh nghiệp, đây là một yếu tố rất quan trọng. Phải giữ được những chuẩn mực đạo đức, những giá trị mà doanh nghiệp tôn sùng. Nếu những thế hệ sau vẫn duy trì và hoàn thiện hơn những giá trị đó thì sẽ giúp cho việc quản nghiệp được tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận