24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp FDI "kêu cứu": Tiền Giang mong muốn doanh nghiệp sản xuất trong sự an toàn!

Dự kiến đến cuối tháng 10/2021, tỉnh Tiền Giang sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động trong và ngoài KCN. Do đó, quan điểm của địa phương là doanh nghiệp sản xuất trong sự an toàn.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang với PV Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến phản ánh của 19 doanh nghiệp FDI về việc các quy định gây khó khăn cho người lao động quay trở lại sản xuất.

Doanh nghiệp FDI "kêu cứu": Tiền Giang mong muốn doanh nghiệp sản xuất trong sự an toàn!
Ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang.

- Đứng ở góc độ là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Tiền Giang, quan điểm của ông như thế nào về việc hàng loạt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm đơn kêu cứu Thủ tướng vì những quy định khắt khe của địa phương khiến người lao động không thể quay trở lại làm việc?

Trước tiên chúng tôi rất chia sẻ những áp lực và khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp đang đóng chân trên địa bàn tỉnh Tiềng Giang. Đặc biệt là những khó khăn kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, làm ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, việc mở cửa phải dựa trên các tiêu chí về an toàn, các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính mạng của người dân, nếu không, công sức và sự nỗ lực của cả hệ thống Chính trị, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân có thể sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Do đó, sau khi doanh nghiệp phản ánh về những vấn đề nêu trên, Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan đã lập tức báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh để tìm ra các giải pháp phù hợp nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Cụ thể, sau những phản ánh của doanh nghiệp, ngày 11/10/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp mặt doanh nghiệp, và các thành phần gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Bí thư và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành; Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp, Chi hội doanh nghiệp, Chi hội nữ Doanh nhân tỉnh, trong đó, có 185 doanh nghiệp tham dự trực tiếp tại các điểm cầu cấp tỉnh và huyện và 09 doanh nghiệp tham dự qua zoom.

Buổi gặp mặt với các doanh nghiệp nhằm thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 9 tháng đầu năm 2021 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021, Kế hoạch 287/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhằm tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Hình ảnh ngày 11/10/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe và tìm các giải pháp hỗ trợ doah nghiệp phục hòi sản xuất.

Và trong quá trình trao đổi, UBND tỉnh đã nhận được các kiến nghị gửi trước của 60 doanh nghiệp (trong đó có 48 doanh nghiệp gửi phiếu ý kiến và 12 doanh nghiệp đồng ký gửi chung 01 văn bản ý kiến); 10 doanh nghiệp phát biểu trực tiếp tại buổi gặp mặt. Các kiến nghị phân thành 5 nhóm vấn đề, cụ thể: Nhóm kiến nghị về hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vaccine và về việc giãn thời gian xét nghiệm; Nhóm kiến nghị về khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Nhóm kiến nghị về hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nhóm kiến nghị về việc di chuyển của chuyên gia, người lao động; Nhóm kiến nghị về lưu thông hàng hóa. Trong đó nhóm kiến nghị về vaccine và việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được các doanh nghiệp quan tâm, kiến nghị nhiều nhất.

- Vậy giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất trong “bình thường mới” là gì, thưa ông?

Tính mạng và sự an toàn của người dân, người lao động là trên hết. Do đó, quan điểm của địa phương là “sản xuất phải an toàn” và “an toàn mới sản xuất”. Vì vậy, UBND tỉnh xác định tiêm vaccine cho người lao động là giải pháp rất quan trọng và để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Và đây cũng là Kế hoạch 267/KH-UBND và 287/KH-UBND, mà UBND tỉnh Tiền Giang ban hành về việc người lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh xác định là đối tượng ưu tiên để tiêm vaccine.

Cụ thể, trong thời gian qua, với số lượng vắc xin được phân bổ từ Trung ương, bên cạnh việc thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên như quy định, UBND tỉnh đã ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động như: Tiêm 100% người lao động tại doanh nghiệp thực hiện phương án “03 tại chỗ”; 10% người lao động tại tất cả doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp và ngoài khu, cụm công nghiệp. Chưa kể, hiện nay khá nhiều công nhân đã về địa phương để tiêm tại các địa bàn được tiêm quét toàn bộ người dân, đặc biệt là Thành phố Mỹ Tho.

Song song đó, Tỉnh đã triển khai ưu tiên tiêm người lao động trong khu, cụm công nghiệp khi có nguồn vaccine được Trung ương phân bổ; tập trung ưu tiên tiêm cho toàn bộ 100% người lao động của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh. Tiếp tục ưu tiên vaccine mũi 02 cho người lao động khi đủ thời gian tiêm.

- Các giải pháp đối với nhóm kiến nghị về khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Về các giải pháp đối với nhóm kiến nghị về khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có nội dung doanh nghiệp thực hiện phương án 03 tại chỗ, UBND tỉnh Tiền Giang đã mở cửa và cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, công nhân tự túc di chuyển đến nơi làm việc.

Doanh nghiệp FDI "kêu cứu": Tiền Giang mong muốn doanh nghiệp sản xuất trong sự an toàn!

Quan điểm của địa phương là “sản xuất phải an toàn” và “an toàn mới sản xuất”.

Tuy nhiên, việc mở cửa cũng phải căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, tình hình tiêm vaccine của tỉnh. Trên thực tế, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân tại địa phương còn nhiều hạn chế (do phụ thuộc vào việc phân bổ từ Trung ương). Do đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 37,6% dân số trên 18 tuổi, mũi 2 đạt 5,3% dân số trên 18 tuổi). Vì vậy, nguyên tắc thích ứng an toàn với dịch COVID-19 của địa phương là: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 287/KH-UBND về khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nay đến cuối năm chia làm 2 giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 1, từ ngày 01/10/2021 đến 31/10/2021: Doanh nghiệp có lao động trên 50 thực hiện phương án “03 tại chỗ” và “một cung đường 02 điểm đến” (quy mô 70% đối với doanh nghiệp đã thực hiện phương án “03 tại chỗ” và 50% đối với doanh nghiệp đăng mới mới thực hiện phương án “03 tại chỗ”); Phương án “Một cung đường hai điểm đến”.

Bên cạnh đó, Tiền Giang đã triển khai thực hiện theo đề nghị của doanh nghiệp hình thức mới theo hướng dần mở rộng đối với việc di chuyển của người lao động: Đưa rước tập trung công nhân (vùng xanh); Người lao động đã tiêm 01 mũi vắc xin và ở vùng xanh (theo huyện); Doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón công nhân từ nơi sản xuất đi, đến tại tại nơi ở địa phương vùng xanh (tập trung, có kiểm soát); Xanh – xanh: đối với doanh nghiệp trên địa bàn vùng xanh (theo huyện) và người lao động trên cùng địa bàn huyện vùng xanh): người lao động được di chuyển bằng xe cá nhân.

Và kết quả đạt được và tính đến ngày 17/10/2021, tổng số doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và đã được Tổ công tác thẩm định tiến hành thẩm định theo Kế hoạch 287/KH-UBND tỉnh về khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 87 doanh nghiệp (trước khi thực hiện Kế hoạch 287/KH-UBND, có 22 doanh nghiệp đã thực hiện phương án “03 tại chỗ”); 05 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án đưa rước tập trung công nhân (vùng xanh) và Xanh – xanh/

Giai đoạn 2, từ ngày 01/11/2021 đến 31/12/2021, các doanh nghiệp dần chuyển từ “3 tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng chống dịch, điều kiện người lao động tiêm đủ 2 mũi, F0 hết bệnh, các doanh nghiệp dần chuyển từ “3 tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng chống dịch.

Đối với các doanh nghiệp có số lao động dưới 50, theo Kế hoạch 287/KH-UBND, giai đoạn trong tháng 10/2021, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có số lao động dưới 50 người do UBND cấp huyện xem xét, quyết định, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, không phân biệt ngành ngành, sẽ không thực hiện “3 tại chỗ”.

Và theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân các huyện, tính đến 17/10/2021, toàn tỉnh có 739 doanh nghiệp có số lao động dưới 50 hoạt động trở lại theo phương án phòng, chống dịch – “không thực hiện 03 tại chỗ” (không tính các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề thiết yếu), cụ thể: huyện Cái Bè: 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Cai Lậy: 241 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Tân Phước: 9 doanh nghiệp; Châu Thành: 05 doanh nghiệp; Chợ Gạo: 14 doanh nghiệp; Gò Công Tây: 23 doanh nghiệp; Gò Công Đông: 30 doanh nghiệp; Thị xã Gò Công: 5 doanh nghiệp; Tân Phú Đông: 4 doanh nghiệp.

-Ông phản hồi như thế nào về thông tin doanh nghiệp cho rằng “Tiền Giang thực hiện một mình một kiểu, đưa ra những quy định khe làm khó doanh nghiệp…”, và mặc dù đã kiến nghị nhưng địa phương không phản hồi?

Như đã trao đổi ở trên, sau khi doanh nghiệp phản hồi, ngày 11/10/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe và tìm ra giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp ngay tại thời điểm đó. Do đó, việc doanh nghiệp cho rằng địa phương không có phản hồi gì là không đúng.

Chưa kể, hiện Tiền Giang đang thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP để khôi phục sản xuất, khôi phục kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại.

Do đó, có thể khẳng định, tinh thần của Tiền Giang không nằm ngoài quy định của Chính phủ là: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, và vấn đề này được thể hiện qua Kế hoạch 287/KH-UBND về khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất. Và theo như kế hoạch, dự kiến đến cuối tháng 10/2021, Tiền Giang phấn đấu sẽ tiêm đủ 2 mũi cho người lao động trong và ngoài các KCN, Cụm CN để doanh nghiệp an toàn sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

- Xin cảm ơn ông!
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả