menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vũ Lương

Doanh nghiệp FDI gặp khó với tỷ giá, chuyên gia cảnh báo sử dụng đòn bẩy cao sẽ nhanh thấm đòn lãi suất

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp FDI phải có phương án phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lưu ý về chi phí vốn do mặt bằng lãi suất phải gồng gánh trước sức ép của tỷ giá, trong khi room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo hướng thận trọng.

Phải chủ động ứng phó với các rủi ro

Tại hội thảo "Đón đầu cơ hội - Mở lối đầu tư" do Ngân hàng ACB tổ chức ngày 25/11, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trưởng Fulbright Việt Nam, cho biết tính đến 20/10 tổng số vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 22,5 tỷ USD, tổng số vốn giải ngân được khoảng 17,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 và xấp xỉ 80% vốn đăng ký.

Theo ông Tuấn, có nhiều lý do khiến Việt Nam hấp dẫn FDI như điểm sáng tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, môi trường pháp lý thuận lợi với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, hạ tầng cảng biển quốc tế, hệ thống logistic, sân bay quốc tế, dân số vàng, chất lượng vốn nhân lực...

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều thách thức như sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Mỹ, dự báo kinh tế khu vực châu Âu có khả năng rơi vào suy thoái nhưng nhìn vào nội tại của kinh tế Việt Nam, những yếu tố căn bản vẫn rất vững chắc như nguồn cung lao động dồi dào, chi phí để tuyển dụng và đào tạo lao động không quá cao...

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức. Theo đó, với những doanh nghiệp FDI phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ bên ngoài thì phải chủ động ứng phó với các rủi ro về tỷ giá.

"Trong bối cảnh Cục trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thì sức ép lên lãi suất và tỷ giá ở Việt Nam là cao. Do đó, doanh nghiệp FDI phải có phương án phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng các hợp đồng phát sinh.

Đối với doanh nghiệp FDI tiếp cận vốn trong nước sẽ phải lưu ý về chi phí vốn do mặt bằng lãi suất phải gồng gánh trước sức ép của tỷ giá, trong khi room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo hướng rất thận trọng", ông Anh Tuấn chia sẻ.

Nói về vấn đề doanh nghiệp FDI làm sao tận dụng cơ hội ngay trong bối cảnh biến động tỷ giá, ông Nguyễn Hiếu Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp ACB, cho biết: "Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu luôn phải xây dựng ngân sách sát với thực tế. Khi thấy tỷ giá biến động theo xu hướng giảm thì mua, ngược lại nếu tỷ giá tăng thì bán. Điều này cần doanh nghiệp phải bám sát diễn biến của tỷ giá để đưa ra chiến thuật phù hợp”.

Còn theo ông Huỳnh Duy Sang, Phó Giám đốc tài chính khối thị trường tài chính ngân hàng ACB,

tỷ giá biến động rất khó lường. Với những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, doanh nghiệp nên tìm đến sự tư vấn từ phía các tổ chức tài chính để có được chiến lược hợp lý.

Ông cho biết hiện nay khi tỷ giá biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp luôn muốn sử dụng công cụ bảo hiểm tỷ giá nhưng trên thực tế khi chi phí bảo hiểm tỷ giá cũng tăng tương ứng. "Đôi khi bảo hiểm tỷ giá đúng lúc tỷ giá tăng cao chưa chắc đã là giải pháp hoàn hảo", ông Sang nói.

Sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ thấm đòn lãi suất

Nhận định về các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho hay kinh tế Việt Nam thường có độ trễ so với thế giới khoảng một năm, theo đó "vùng đáy" của COVID-19 tác động thế giới là quý II/2020, còn Việt Nam là quý III/2021, nên khi Việt Nam phục hồi, thế giới đã phục hồi trước đó.

"Ở giai đoạn hiện tại nếu doanh nghiệp vẫn đang sắp xếp, củng cố nội tại thì hơi trễ nhịp, nhưng chậm vẫn còn hơn không, đây có thể xem là cơ hội thứ hai đối với doanh nghiệp đã bỏ đi cơ hội "vàng" trong đợt COVID vừa qua nhưng nếu lại bỏ qua lần này sẽ khó có cơ hội thứ ba", ông Tuấn nói.

Do đó, doanh nghiệp nên tăng cường phát triển nội tại, sắp xếp lại quy trình, công nghệ. Còn doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt thì đây là giai đoạn nên bắt đáy, mạnh dạn đầu tư đón đầu sự phuc hồi kinh tế.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ thấm đòn lãi suất cao, nên doanh nghiệp cần thận trọng sử dụng đòn bẩy bởi sức ép lãi suất dự báo kéo dài đến quý I hoặc giữa quý II năm sau.

"Doanh nghiệp nào chưa có triển vọng, đơn hàng, nên cố gắng thoái bớt nợ, đừng nên tăng cường đòn bẩy nợ", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại