24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động

Đáp ứng đủ điều kiện, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, nhưng không quá 6 tháng.

Doanh nghiệp khó khăn vẫn được hỗ trợ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo nghị định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm. Điều kiện hỗ trợ là phải đóng đủ BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ đào tạo nghề phải gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động (LĐ) hiện có từ 30% hoặc từ 30 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng dưới 200 LĐ; từ 50 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng từ 200-1.000 LĐ; từ 100 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 1.000 LĐ, không kể LĐ giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi NSDLĐ bị thiệt hại; thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.

DN không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. Kinh phí hỗ trợ trích từ Quỹ BHTN. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/khóa học 6 tháng thì phần vượt quá mức hỗ trợ do NSDLĐ chi trả.

NLĐ là vật báu của DN

Về vấn đề trên, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho biết, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ là hết sức cần thiết. Điều này hướng tới ngăn ngừa, hạn chế việc sa thải NLĐ trong bối cảnh DN khó khăn và muốn giữ chân NLĐ ở lại DN. NLĐ là vật báu của DN. Bên cạnh đó, đây là điểm mới được quy định tại điều 47, 48 của Luật Việc làm. Ở đây, BHTN không chỉ giải quyết hậu quả mà còn ngăn ngừa việc sa thải LĐ, giải pháp hữu hiệu với DN.

“Từ nguồn BHTN, DN được hỗ trợ trong việc đào tạo nghề cho NLĐ. DN hoặc thông qua cơ sở đào tạo sẽ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của NLĐ. Việc này giúp NSDLĐ quan tâm thường xuyên đào tạo NLĐ. Trong quá trình thay đổi của khoa học kỹ thuật, ứng dụng cộng nghệ mới, nếu NLĐ đứng yên 1 chỗ đồng nghĩa đang bị thụt lùi. Vì vậy, họ cần đào tạo, bồi dưỡng suốt đời. Từ đó, họ theo kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của thị trường LĐ” - ông Trung nói.

Theo nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, việc hỗ trợ đào tạo nghề lấy từ nguồn quỹ BHTN tập trung chi trả, thể hiện tính ưu việt của quỹ này. Quỹ BHTN không chỉ chi trả trợ cấp thất nghiệp mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ khi thất nghiệp mà còn hỗ trợ với NLĐ chưa thất nghiệp. Thể hiện đúng vai trò chia sẻ rủi ro với người tham gia BHTN. Đối với xã hội, nhờ chính sách này giảm bớt tình trạng thất nghiệp.

“Khi xây dựng Luật Việc làm đã tính đến đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho NLĐ. Bồi dưỡng NLĐ cần quy định rõ, vì nhiều công việc trong thực tiễn chỉ cần qua lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhưng vẫn duy trì được việc làm. Hình thức này đáp ứng nhiều trường hợp, không chỉ đào tạo chính quy, mà các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, lớp nâng cao trình độ kỹ năng nghề duy trì việc làm là được” - ông Trung nêu quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả