Doanh nghiệp - doanh nhân Việt vượt khó tiến vào thập kỷ mới
Bước sang năm 2020 – năm mở đầu cho một thập kỷ của khoa học công nghệ và kỹ thuật số; đồng thời cũng là năm mà Việt Nam rốt ráo để về đích và hoàn thành Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận về điểm xuất phát và những giai đoạn thăng trầm của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt Nam, ông Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, ở thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, doanh nhân Việt chưa bao giờ được coi là một đội ngũ, thậm chí chữ “doanh nhân” đã từng không có trong từ điển tiếng Việt.
Đọng lại qua góc nhìn của người dân và xã hội lúc bấy giờ chỉ có hình ảnh “con buôn”, “con phe hay là “đối tượng” của các đợt cải tạo công thương nghiệp… Qua Đại hội Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) – Đại hội của sự đổi mới đã bắt đầu quá trình nhận thức lại và mở đường cho sự “bừng nở” của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký quyết định chọn ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, chính thức định danh và tôn vinh doanh nhân Việt Nam. Đó là điều cần được ghi nhận, biết ơn vì những nỗ lực đồng bộ, toàn diện của Đảng và Chính phủ đã tạo hệ sinh thái và môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Bước sang năm 2020 – năm mở đầu cho một thập kỷ của khoa học công nghệ và kỹ thuật số; đồng thời cũng là năm mà Việt Nam rốt ráo để về đích và hoàn thành Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế lớn như đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là từ 6,5-7%/năm; năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt từ 3.200-3.500 USD/người, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt khoảng 85%, năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đó là những mục tiêu nằm trong tầm với, tuy nhiên để duy trì những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua và những năm tiếp theo sẽ là chặng đường đầy gian nan, thách thức.
Nhìn vào hiện trạng và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, trong 3 năm liên tiếp vừa qua, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp – vốn là nguồn thu được trông đợi nhất của nền kinh tế và cũng là chỉ báo quan trọng nhất về tính bền vững của ngân sách quốc gia, đã không đạt kế hoạch.
Điều này chứng tỏ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với các doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thực hiện chủ trương “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, hay loạt Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã và đang tạo chuyển biến để đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, đó chính là những nền tảng nhằm từng bước hoàn thiện môi trường kinh doanh tạo đà cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở giai đoạn hiện nay và thời kỳ sau này.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đang được Chính phủ, các bộ, ngành thúc đẩy giúp đưa các chủ trương, chính sách mới tới doanh nghiệp. Việc xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng được tích cực triển khai bên cạnh nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp.
Cùng với đó là nỗ lực kết nối, tạo thuận lợi hóa thương mại qua cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN cũng đang được gia tốc để đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, mở rộng thị trường hàng hóa cho doanh nghiệp Việt. Có thể thấy rằng, Đảng và Chính phủ đã thành công trong việc khởi động Làn sóng cải cách lần thứ 2 và thúc đẩy công cuộc khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam kể từ khi đổi mới.
Hưởng ứng sự vận động, khuyến khích của Đảng và Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã ra sức tạo dựng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ để gia tăng các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu. Chính những chỉ số phát triển doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp mới là thước đo quan trọng nhất cho thấy sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với Đảng và Chính phủ.
Con số trên 138.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2020, mức kỷ lục từ trước đến nay với tổng số vốn đăng ký trên 1,73 triệu tỷ đồng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc cả hệ thống chính trị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, chặng đường phát triển sắp tới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung còn rất nhiều gian nan, thách thức. Nhất là trong bối cảnh, không ít vấn đề về cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc có nguy cơ lan rộng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đang chậm lại. Với một nền kinh tế có độ mở cao, dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Bình luận về thành công của chính sách kinh tế tài khóa cho năm vừa qua và dự đoán về năm 2020, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn thuộc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu và các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng trong suốt năm. Đây cũng là năm thành công khi Chính phủ áp dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Sang năm 2020, Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ…, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay. Vì lẽ đó, Chính phủ, doanh nghiệp cần luôn sát cánh để sự nghiệp phát triển kinh tế đạt tới thành công như kỳ vọng trong năm nay và nhiều năm tiếp theo, ông Khoa nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2019 vừa diễn ra mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, kiêm Chủ tịch Liên minh VBF đã chuyển tải thông điệp từ cộng đồng kinh doanh tới Chính phủ. Theo đó nhấn mạnh sẽ chung tay, chia sẻ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế và quyết tâm cố gắng để vượt qua thử thách. Đổi mới sáng tạo, kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững sẽ là hệ giá trị mới cho công cuộc tái cấu trúc và phát triển mà các doanh nghiệp quyết hướng theo.
Để hậu thuẫn cho nỗ lực này, các doanh nghiệp Việt Nam mong mỏi, Đảng và Chính phủ sẽ kiên định con đường đổi mới; chuyển sang kinh tế thị trường, tiếp tục xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, một đội ngũ cán bộ công chức tận tâm, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chú trọng thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc, coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tạo thế sâu rễ, bền gốc cho nền kinh tế Việt Nam./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận