Doanh nghiệp đổ vốn lớn nhưng vì sao chế biến nông sản vẫn "hụt hơi"?
Năng lực chế biến một số ngành còn thấp, công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp tính chung 15 - 20%...
Ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
30.000 tỷ đồng đầu tư từ doanh nghiệp
Một trong những nội dung đặc biệt quan tâm là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.
Trên thực tế, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Trong 3 năm 2017 - 2019 đã có gần 40 dự án đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ được khởi công xây dựng và khánh thành.
Riêng năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.
Một số ngành hàng đã có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới như: hạt điều, lúa gạo, tôm, cá tra…Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – Doveco đã và đang xây dựng thành công mô hình sản xuất kinh doanh khép kín từ sản xuất, công nghiệp chế biến và kinh doanh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, nhất là rau quả.
Hiện nay, Doveco đang sở hữu 2 Trung tâm chế biến tại Ninh Bình và Gia Lai với tổng công suất trên 80.000 tấn sản phẩm/năm. Công nghệ chế biến của Italy, Thụy Điển, Nhật Bản. Thời gian tới, Doveco dự kiến mở thêm Trung tâm chế biến tại tỉnh Sơn La.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến thực phẩm thịt cũng đã có sự hiện hiện của những doanh nghiệp đi đầu như: Công ty TNHH Koyu & Unitek, Masan, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam…
Nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất
Tuy đã có một số doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, nhưng sự phát triển của ngành chế biến nông sản của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Năng lực chế biến một số ngành còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, tính chung 15 - 20%.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng…
Điển hình, lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên gây ra nhiều tổn thất sau thu hoạch.
Đặc biệt, bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng dao động từ 10 - 20%.
Cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp, công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.
Hệ thống doanh nghiệp chế biến trong từng ngành:
Cụ thể, đối với ngành hàng Lúa gạo, hiện cả nước có khoảng 580 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp, với công suất trên 10.000 tấn thóc/năm chiếm khoảng 61,5%.
Rau quả, có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh/thành phố; sản lượng sản xuất thực tế đạt trên 600.000 tấn sản phẩm.
Cà phê, có 239 doanh nghiệp chế biến cà phê quy mô công nghiệp, tập trung ở Tây nguyên (chiếm 36,4%) và Đông Nam Bộ (chiếm 43,1%).
Cao su, có 161 doanh nghiệp sơ chế mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 1,22 triệu tấn mủ khô/năm, trong đó sản phẩm cao su khối tiêu chuẩn Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng sản lượng.
Điều, có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều với tổng công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn hạt/năm nằm trên địa bàn 20 tỉnh/thành phố. Các doanh nghiệp có quy mô công suất lớn chiếm 30% số cơ sở, chiếm trên 70% tổng sản phẩm chế biến.
Gỗ: Cả nước có khoảng 4.500 cơ sở chế biến gỗ, tập trung 80% ở các tỉnh Miền Nam, mỗi năm tiêu thụ trên 40 triệu m3 gỗ.
Thủy sản, có 636 cơ cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu và trên 3.000 cơ sở chế biến nhỏ với sản lượng chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận