Doanh nghiệp điêu đứng khi hải sản “đóng băng” do dịch bệnh
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành, khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội, giao thương hạn chế khiến cho việc tiêu thụ hải sản ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn.
Nhiều cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh đang gồng mình trả tiền phí kho bãi đông lạnh, trong khi đó dịch bệnh chưa biết bao giờ được kiểm soát
Dù lỗ vẫn thu mua hải sản
Anh Mai Thanh Sơn, một chủ tàu chuyên thu mua hải sản đang cập cảng cá Phan Thiết cho biết, đây là thời điểm vào mùa cá Nam, nên năng suất đánh bắt tăng, việc thu mua hải sản trên biển cũng thuận lợi hơn. Dù giá dầu thời gian qua có tăng, cộng với nhu yếu phẩm cũng tăng làm phát sinh chi phí cho chuyến đi, nhưng anh em vẫn cố gắng bám biển.
Anh Sơn cho biết thêm, dịch Covid-19 bùng phát, hàng quán đóng cửa, hải sản khó tiêu thụ khiến giá cả có giảm nhưng khâu thu mua không bị đứt gãy.
“Một tháng vào bến một lần, tôi thu mua ngoài biển, rồi vào chuyển hàng đi. Tôi thu mua giá cao nhưng bán lại giá hạ xuống vì dịch bệnh vận chuyển không được. Ví dụ, tôi mua 1kg mực 100.000 đồng, bán lại chỉ được 70.000 - 80.000 đồng, lỗ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg” - anh Sơn nói.
Dù không có lời, thậm chí lỗ, nhưng anh Sơn và các bạn thuyền của mình vẫn tin vào các chuyến biển sau sẽ bù đắp lại. Tương tự, để đảm bảo tiêu thụ hải sản cho bà con ngư dân, nhiều doanh nghiệp đã mở kho lạnh để nhập trữ hàng.
Ông Đỗ Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh - một cơ sở thu mua hải sản lớn tại Bình Thuận cho biết, từ khi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, rồi Bà Rịa-Vũng Tàu... thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Dù khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng cơ sở của anh vẫn cố gắng duy trì việc thu mua cho ngư dân.
“Có bao nhiêu hàng cân bấy nhiêu, còn chịu đựng thì không biết chừng nào, tôi mua trả cho dân là tiền mặt, còn số hàng mua thì để một chỗ, do đầu ra không có, không có chỗ để phân phối buộc phải đi thuê kho đông lạnh, một kg hàng phải mấy nghìn đồng rồi để lâu tăng thêm, chưa tính tiền nhân công” - ông Thanh chia sẻ.
Theo Ban Quản lý Cảng cá Phan Thiết, mỗi ngày có từ 20 - 30 lượt tàu cá cập cảng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hải sản. Hiện các kho lạnh trong khu vực cảng với sức chứa 250 tấn đang hoạt động hết công suất, nhiều doanh nghiệp phải ra tìm kiếm kho đông ở nơi khác để tích trữ hải sản.
Nỗ lực tìm kiếm thị trường mới
Hiện nay các tỉnh, thành khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thông thương hàng hoá rất khó khăn. Để tháo gỡ, trước mắt các địa phương đã tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện lưu thông hàng hóa về các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thạnh – Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, đơn vị chuyên chế biến, bảo quản thuỷ sản cho biết: “Vấn đề giao thông cũng được giải toả rồi, cho lưu thông vận chuyển hàng hoá. Còn bây gờ khó nhất là các kho bãi ở cảng ở Sài Gòn, hàng hoá xuất nhập. Chẳng hạn kho nào bị sự cố thì mọi việc sẽ chậm lại. Rồi tàu thuyền cũng chậm lại, làm cho năng lực và năng suất giảm một nửa”.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, sản lượng hải sản khai thác 6 tháng năm 2021 đạt 97.200 tấn, tăng 1,8% so cùng kỳ 2020; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản ước đạt 73,90 triệu USD, tăng 4,94% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, không riêng hải sản mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang bị ách tắc về đầu ra. Vì vậy ngoài các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kênh phân phối mới, đồng thời luôn đảm bảo hoạt động thu mua hải sản tại các cảng cá phải thực hiện đúng quy định phòng chống dịch.
“Đây là tình hình chung. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã chỉ đạo các cảng cá rất chặt chẽ về việc phòng chống dịch. Đặc biệt là kiểm soát tàu cá, người từ các địa phương từ vùng dịch vào cảng cá theo đúng quy định. Cũng cố gắng giải quyết khâu tiêu thụ cho bà con nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch” - ông Chiến cho hay.
Hiện vụ cá nam ở Bình Thuận đang vào cao điểm, dự kiến lượng hải sản đánh bắt sẽ tăng trong thời gian tới. Chi phí thu mua, ký gửi mặt hàng này rất lớn, trong khi đó sức chứa của các kho lạnh lại có giới hạn.
Vì vậy, theo một số doanh nghiệp kinh doanh hải sản tại Bình Thuận, cần sớm có cơ chế để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho mặt hàng hải sản tiếp cận tốt hơn với thị trường TP.HCM và mở rộng ra các thị trường khác. Từ đó duy trì công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho ngư dân đánh bắt, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp thu mua hải sản, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận