Doanh nghiệp điện gió hụt hơi vẫn chờ... chính sách mới
Nhà đầu tư điện gió như "bơi giữa biển" vì chưa biết bao giờ thu hồi được vốn đầu tư.
Vì vậy, việc không được hưởng giá ưu đãi sẽ là thiệt thòi lớn cho nhà đầu tư, nhất là khi Bộ Công Thương khẳng định không gia hạn giá FIT mà sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, cho biết địa phương này có 3 dự án điện gió với tổng công suất 30 MW không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11. Suất đầu tư trung bình của 1W điện gió khoảng 1,4 triệu USD.
Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận kiến nghị Chính phủ nên gia hạn giá FIT cho các dự án chậm tiến độ, áp dụng giá FIT này cho đến khi có cơ chế đầu thầu được ban hành.
"Chủ đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, mà đến nay cơ chế đấu thầu vẫn chưa được Bộ Công Thương ban hành, không bán được điện, không có dòng tiền về. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu, không thể trả nợ, lãi vay ngân hàng thì đến hẹn", ông Thịnh giãi bày.
Liên quan đến phương án xử lý với 62 dự án không được hưởng giá FIT, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), cho biết đến giờ này vẫn chưa thấy Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về cách thức, quy trình đấu thầu: "Đáng lẽ ra, cơ quan chức năng phải cho doanh nghiệp biết cụ thể chính sách dành cho họ trong thời gian tới để họ có động lực hoàn thiện dự án. Bộ Công Thương nói là sẽ đấu thầu, nhưng chưa có gì cụ thể cả".
"Khung đấu thầu phải chờ Bộ Công Thương đưa ra quy định về giá, về điều kiện. Tuy nhiên, chắc chắn không có lợi như giá FIT", ông Thiện nói, vì Quyết định 39 của Thủ tướng được hiểu ngầm là ưu đãi về giá.
Theo Chủ tịch VCEA, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ chủ yếu là do dịch COVID-19. Vì vậy, cần cho tất cả dự án chậm tiến độ mà đã được ký hợp đồng mua bán điện với EVN được gia hạn thời gian ưu đãi từ 3 - 6 tháng. Đây cũng là chính sách nhân văn, hỗ trợ nhà đầu tư trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh. Nếu qua mốc này mà nhà đầu tư không làm được thì chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Dưới góc độ nhà đầu tư có dự án điện gió không được hưởng ưu đãi, ông Hoàng Giang, Tổng giám đốc Điện gió Sunpro Bến Tre, khẳng định doanh nghiệp này đã cố gắng hết sức để về đích, chứ không thụ động. Theo đó, doanh nghiệp đã nhập toàn bộ trụ điện gió từ trước lúc COVID-19 xảy ra...
Cụ thể, ông Giang cho biết đến nay dự án đã hoàn thiện được khoảng 70-75%. Vốn đầu tư khoảng 56 triệu USD (tương đương hơn 1.200 tỷ đồng). Với cơ chế đấu thầu, nếu EVN giảm giá mua điện xuống 12% thì coi như lợi nhuận của dự án này sẽ tiêu tan, thậm chí là thua lỗ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận