Doanh nghiệp dệt may: Điều chỉnh chiến lược, đón sóng thị trường
Trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may phải tiếp tục duy trì sức chịu đựng, linh hoạt giải quyết nhanh các yêu cầu mới của thực tiễn để phát triển.
Đơn hàng sụt giảm
Báo TTXVN/Vietnam+ đưa tin, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 7/2023, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 18,93 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho hay, những tháng đầu năm 2023, ngành dệt may đối diện nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, thậm chí có đơn hàng bị giảm giá tới 50-60% so với trước, khiến hiệu quả hoạt động của đơn vị không đạt như kỳ vọng.
Không nằm ngoài diễn biến chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam (Thời trang M2) Nguyễn Hải Đường cho biết sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Doanh nghiệp cũng dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50%.
Theo ông Đường, để tránh phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cho chính mình, khôi phục tăng trưởng kinh tế…
“Khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất, kinh doanh,” ông Nguyễn Hải Đường khẳng định.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần may Việt Tiến nhận định, tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn cho nên việc giữ ổn định lao động, thị trường, khách hàng, bảo đảm việc làm, duy trì hoạt động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Tiến cũng đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 8.030 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động 11,5 triệu đồng/người.
Muốn hoàn thành mục tiêu nêu trên, đơn vị sẽ thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, sắp xếp và tái cấu trúc mô hình quản lý của tổng công ty, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính nhằm bảo đảm dòng tiền cho hoạt động trong toàn hệ thống. Đơn vị cũng tăng cường đầu tư chiều sâu về thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng và đối tượng khách hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá tình hình chung, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, trong những tháng đầu năm, Vinatex phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó xung đột địa chính trị đã gây ra khủng hoảng về năng lượng, lạm phát tăng cao. Cùng đó, lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt, sức cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ ngày càng khốc liệt.
Hơn nữa, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao, đơn hàng giảm đáng kể cả về số lượng và đơn giá. Nền chi phí tăng cao do lạm phát tăng, khiến hiệu quả sản xuất sụt giảm và Thương mại toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023, các nền kinh tế đều tăng trưởng kém. Những yếu tố này tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn.
Cải thiện năng lực sản xuất
Trước sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn của các thị trường chủ lực, ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng, doanh nghiệp ngành hàng cần tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu, đồng thời, nên tìm đến các hoạt động xúc tiến thương mại để ký kết hợp đồng tư vấn và có cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.
Trao đổi với báo Công thương, ông Shiotani Yuichiro Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, cho biết một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là cải thiện năng lực sản xuất vải.
Cũng theo ông Yuichiro, đặc trưng thị trường Nhật Bản những năm gần đây là nhận thức của người tiêu dùng về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đang ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm may mặc tái chế (recycle), tái sử dụng (re-use), sửa chữa lại (repair) đang rất sôi động và hiện đang tăng trưởng ở mức 135% so với thời điểm 10 năm trước.
Do vậy, Aeon đang rất chú trọng vào những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, ví dụ như chống tia UV, chống thấm nước... Aeon cũng nắm bắt xu hướng đối với sản phẩm làm từ bông hữu cơ, polyester tái chế để áp dụng vào các sản phẩm của mình và mong muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa các đối tác cùng tầm nhìn trên tại Việt Nam.
Đại diện Aeon cho biết thêm, để có thể trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng của Aeon thì chỉ đơn giản là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, Aeon cũng có những quy định riêng về quy trình sản xuất, phương thức quản lý, xây dựng dựa trên phản ánh của khách hàng về nhu cầu khi tới mua sắm tại hệ thống cửa hàng Aeon. Về giá cả, Aeon cũng cân nhắc để làm thế nào có thể mang đến cho khách hàng mức giá tương xứng với chất lượng sản phẩm.
Cho đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu vải và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu. Đối với sản phẩm may mặc, chi phí vải có thể chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, do vậy lợi thế cạnh tranh giữa các cơ sở gia công là giá nhân công.
Tuy nhiên, hiện nay chi phí nhân công tại Việt Nam lại cao hơn các nước lân cận, trong khi năng suất lại không cao hơn. Vì vậy, nếu phải nhập khẩu vải và thực hiện gia công đơn giản, khi chi phí phân phối tăng, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều áp lực khi so sánh với các quốc gia cạnh tranh như Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ. Để cải thiện năng lực cạnh tranh, điều cần thiết nhất trong thời gian tới là phải dần tự chủ ngành sản xuất vải.
Điều chỉnh chiến lược, xúc tiến thương mại
Ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng cấp cao - phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á của Walmart (Mỹ) chia sẻ với báo Công thương, Việt Nam là một thị trường mua hàng chính của tập đoàn tại Đông Nam Á và Đông Á. Tập đoàn Walmart sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính tại Việt Nam, bao gồm: quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.
"Để tham gia chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam như: năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường", đại diện tập đoàn bán lẻ Mỹ cũng lưu ý.
Trong khi đó, đại diện của Amazon tại Việt Nam cho rằng, để khai phá sức mạnh cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu.
Về cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, doanh nghiệp trong nước vẫn đang chào bán những sản phẩm đang có chứ không phải là sản phẩm thị trường cần.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội tiến sâu vào các thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các hiệp hội, ngành hàng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường.
Đặc biệt, chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phân phối thực hiện có hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận