Doanh nghiệp dầu khí được hưởng lợi từ siêu dự án
Diễn biến tích cực của giá cổ phiếu dầu khí gần đây đến từ dự án Lô B - Ô Môn tại Cần Thơ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Hơn 1 tuần qua, sắc xanh bao phủ nhóm cổ phiếu dầu khí trong đa số phiên giao dịch, tập trung vào cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP.
Trong khi đó, giá dầu quay đầu giảm 20 - 30% từ giữa tháng 6 đến nay, có lúc xuống mức thấp hơn cả thời điểm trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.
Chốt phiên 29/8, nhóm cổ phiếu dầu khí có phiên lội dòng ngoạn mục khi PVD và PVC tăng hết biên độ. Các mã lớn như GAS, BSR cũng đồng loạt tăng trên 2%, đóng góp lớn cho việc thu hẹp đà giảm của chỉ số. Bên cạnh đó, các mã khác cũng đồng loạt bùng nổ với PVS (+7,4%), PVB (+4,7%), PVT (+3,2%),…
Theo ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá dầu nhích tăng trở lại, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều biến số trong việc dự báo diễn biến giá. Tuy nhiên, vị chuyên gia này thiên về việc giá dầu sẽ ổn định do hai yếu tố chính. Thứ nhất, OPEC có thể cắt giảm sản lượng khai thác. Thứ hai, Mỹ tăng nhanh lãi suất dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế và giảm nhu cầu về dầu trên thế giới.
Do đó, diễn biến tích cực của giá cổ phiếu dầu khí gần đây đến từ động lực khác, đó là dự án Lô B - Ô Môn tại Cần Thơ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, bao gồm nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Ông Bình cho rằng, Lô B - Ô Môn là đại dự án khí của Việt Nam nên sẽ không bị tác động nhiều từ các sự kiện địa chính trị trên thế giới. Nếu dự án này được triển khai, nhóm kỹ thuật dầu khí, thăm dò, khảo sát địa chất như PVS, PVD sẽ được hưởng lợi đầu tiên, do đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC (thiết kế - mua sắm thiết bị - xây dựng, vận hành).
GAS cũng sẽ hưởng lợi theo hướng nguồn khí tăng lên, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu điện, đạm. Thực tế, các nhà máy điện có tình trạng thiếu khí nhiều tháng nay do các mỏ khí hiện hữu không đủ đáp ứng. GAS còn hưởng lợi từ việc vận chuyển khí cho các nhà máy điện, đạm.
Một số doanh nghiệp khác sẽ được hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn như Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí, Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí.
Bán ra chốt lãi dần cổ phiếu dầu khí
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDIRECT nhận định, GAS với tư cách là nhà đầu tư chính của đường ống Lô B - Ô Môn (tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,3 tỷ USD) sẽ được hưởng lợi từ nguồn khí bổ sung kể từ năm 2026 và giá cước vận chuyển khí dự kiến ở mức cao. Mỏ khí Lô B với trữ lượng ước tính 107 tỷ m3 sẽ thay thế nguồn cung từ các mỏ cũ đang cạn kiệt, đảm bảo cho doanh nghiệp tăng trưởng trong dài hạn.
Tại báo cáo thường niên 2021, Ban lãnh đạo PVD kỳ vọng, các dự án trọng điểm của ngành dầu khí như Lô B - Ô Môn sẽ được triển khai trong năm 2022. Điều này sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp dầu khí có hoạt động ở khâu thượng nguồn như GAS, PVD, PVS…
Thực tế, trong những năm qua, dự án Lô B - Ô Môn trở thành động lực và được các doanh nghiệp ngành dầu khí đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, dự án này đến nay chưa có thêm thông tin nào thật sự đáng giá, ngoài sự kiện Thủ tướng Chính phủ có chuyến công tác tại Cần Thơ vào tháng 6/2022, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thượng nguồn (Lô B) trong chuỗi dự án Lô B - Ô Môn.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp dầu khí chia sẻ, khả năng dự án Lô B - Ô Môn sẽ được triển khai trong năm 2022 vẫn chỉ là kỳ vọng và không đảm bảo sinh lời trong ngắn hạn. Bởi lẽ, Việt Nam phải phát triển được điện khí trong nước, đảm bảo đầu ra thì mới có thể bắt đầu hoạt động khai thác dầu khí.
Trong khi đó, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III (sẽ sử dụng nguồn cấp khí từ Lô B) chưa được trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại, UBND TP. Cần Thơ chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Điều này ảnh hưởng đến việc ký kết thỏa thuận mua bán khí giữa PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kéo theo dự án Nhiệt điện khí Ô Môn IV chưa thể khởi công, dẫn đến chậm trễ cả chuỗi dự án khí Lô B. Ngoài ra, tiến độ cấp dòng khí Lô B đầu tiên chưa được xác định cũng ảnh hưởng đến thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu EPC của dự án Ô Môn IV.
Ông Bình khuyến nghị, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu dầu khí có thể bán ra chốt lãi dần, còn nhà đầu tư mua mới thì nên thận trọng, nhất là thị trường chung có thể điều chỉnh giảm sau khi VN-Index tiến đến ngưỡng kháng cự 1.300 điểm.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận