Doanh nghiệp đang 'bội thực' các gói hỗ trợ từ nhà băng
Từ cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, thị trường ở trong cảnh “bội thực” gói tín dụng, khi các gói vay từ quy mô lớn đến nhỏ bao phủ khắp nơi. Tuy nhiên, hỗ trợ nhiều nhưng không “cấp cứu” được các doanh nghiệp (DN), bởi mức độ hấp thụ vốn rất yếu.
Cũng dễ hiểu, ưu đãi nhiều nhưng không dành cho tất cả, và càng ưu đãi cao càng đòi hỏi nhiều tiêu chí đặc thù.
Ngập tràn gói hỗ trợ từ ngân sách đến NHTM
Năm 2022, để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ DN vượt khó sau dịch Covid-19, từ tháng 5-2022 đến nay, các NHTM đã và đang tham gia triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ.
Năm 2023, khi gói này vẫn còn đang trong thời hạn hoạt động, Chính phủ đã yêu cầu NHNN triển khai chương trình cho các NHTM có vốn nhà nước gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, theo đó chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với mức lãi suất ưu đãi từ 1,5-2% kể từ ngày 1-4-2023.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, theo đó có yêu cầu NHNN nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN ngành sản xuất, chế biến lâm, thủy sản trong tháng 5-2023.
Tại các NHTM, các gói tín dụng ưu đãi cũng được tung ra ồ ạt. Quy mô lớn dẫn đầu thị trường là các NH trong nhóm Big4. Cụ thể, VietinBank đang có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,1%/năm, hỗ trợ cá nhân vay sản xuất kinh doanh triển khai đến hết ngày 30-6. Agribank có gói tín dụng ưu đãi quy mô 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, dành cho các DN kinh doanh hiệu quả vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
BIDV triển khai gói vay 70.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, gồm 20.000 tỷ đồng cho vay cá nhân lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và 50.000 tỷ đồng cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực, lãi vay kỳ hạn dưới 6 tháng từ 7%/năm và 6-12 tháng từ 8%/năm… Vietcombank có gói 100.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất từ 7,5-8,6%/năm cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn đối với cá nhân, hộ kinh doanh, và gói 55.000 tỷ đồng dành cho khách hàng tổ chức bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động.
Ở nhóm NHTM cổ phần, mặc dù quy mô gói nhỏ hơn nhưng các NH cũng góp mặt khá đông đủ, áp dụng nhiều lĩnh vực hơn. Chẳng hạn, Techcombank triển khai gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 2% cho DN. Sacombank dành 5.000 tỷ đồng cho đáp ứng nhu cầu mua và sửa chữa nhà ở, kỳ hạn vay tối đa 30 năm.
KienlongBank có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho DN xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ vay với lãi suất giảm đến 2%/năm, và gói 4.000 tỷ đồng cho cá nhân sản xuất nông nghiệp, nông thôn giảm lãi tối đa 1%/năm so với mức lãi thông thường...
Nhưng không dễ tiếp cận
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20-4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng 6,42% của cùng kỳ năm 2022. Như vậy đồng nghĩa thị trường không hấp thụ được vốn. Một trong những nguyên nhân lớn của việc không hấp thụ được vốn là cơ chế cho vay của NH đưa ra với nhiều tiêu chí mà DN không thể đáp ứng, nhất là trong lúc càng khó khăn càng khó đáp ứng.
Chẳng hạn gói tín dụng lãi suất ưu đãi của các NH, nhưng cũng kèm theo các yêu cầu đặc thù như có tài sản thế chấp, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, mức độ tín nhiệm… Hơn nữa, lãi suất ưu đãi như công bố cũng chỉ có thời hạn trong vài tháng đầu tiên, sau thời hạn đó DN phải chịu lãi suất thả nổi. Và thực tế những DN quy mô lớn mới là khách hàng chính của các chương trình ưu đãi như vậy.
Trong khi đó, tiếp cận các gói tín dụng được Chính phủ chỉ đạo thực hiện càng nhiêu khê hơn. Như với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 31-3 mới giải ngân được khoảng 330 tỷ đồng, tương đương 0,83% kế hoạch là 40.000 tỷ đồng. Và dự kiến đến hết năm 2023 cũng chỉ giải ngân khoảng 2.570 tỷ đồng.
Nguyên nhân theo điều tra có khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, đủ điều kiện thụ hưởng, nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ; 87% khách hàng cũng thuộc các ngành trên nhưng lại không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ; đặc biệt, có trường hợp khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất, nhưng chủ động hoàn trả NH toàn bộ số tiền, do lo ngại phải tuân thủ các yêu cầu về theo dõi hồ sơ, chứng từ, các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, và lo ngại nếu bị thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ khó xử lý do số tiền đã được hạch toán vào lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông…
Thế nên, thị trường có tâm lý bị “dội ngược” với các gói tín dụng. Ngay cả chủ trương của Chính phủ và NHNN với gói 120.000 tỷ đồng là phù hợp, song các chuyên gia đánh giá gói này vẫn có tác dụng tâm lý nhiều hơn tác động thực tế. Vì NH khẳng định cơ chế vay thoáng nhưng phải đúng đối tượng. Còn chủ đầu tư ít quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tại TPHCM, trong 2 năm vừa qua chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội đưa vào hoạt động với 260 căn hộ.
Từ câu chuyện triển khai gói tín dụng ưu đãi đã và đang thực hiện, cho thấy các gói tín dụng có tác dụng trấn an tinh thần thị trường nhiều hơn là “cấp cứu” cho các DN vượt qua cơn bạo bệnh. Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như DN khó khăn, NH công bố cho vay ưu đãi khắp nơi, nhưng đa số NH vẫn báo lãi ngàn tỷ đồng trong quý I vừa qua. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 NHTMCP đang giao dịch trên sàn chứng khoán quý đầu năm theo thống kê đạt trên 65.000 tỷ đồng. Năm 2023, các NH vẫn đang tự tin đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao với các cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận