Doanh nghiệp da giày có bắt kịp cơ hội từ EVFTA ?
Tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sang thị trường EU trong những năm gần đây chỉ khoảng 5-6%/năm, EVFTA được kỳ vọng là cú huých, tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.
Được đánh giá là hiệp định mang lại hiệu quả lớn cho các ngành da giày, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn cho ngành da giày mà còn giúp hợp tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng thiết bị tiên tiến trong sản xuất giày dép.
Đón sóng đầu tư
Mới đây, Tập đoàn ECCO – một doanh nghiệp sản xuất giày lớn và nổi tiếng của Đan Mạch đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy mới tại khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, trong đó giai đoạn đầu là 40 triệu USD, giai đoạn 2 là 50 triệu USD. Dự kiến đến năm 2020 sẽ khánh thành nhà máy.
Câu chuyện từ Tập đoàn ECCO cho thấy, làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp da giày đang ngày càng lan tỏa đến Việt Nam để bắt sóng những lợi ích từ Hiệp định EVFTA. Cùng với Tập đoàn ECCO, một số doanh nghiệp EU đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh, khảo sát năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước để đầu tư nhà máy sản xuất và đặt đơn hàng. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso): “Đây là một hiệu ứng tốt do EVFTA mang lại cho ngành. Nhất là trong bối cảnh ngành da giày muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nội khối để tận dụng lợi thế về thuế suất ưu đãi từ EVFTA”.
Trước đó, trong khuôn khổ dự án hợp tác với Lefaso, Chính phủ Italia đã hỗ trợ phát triển đội ngũ thiết kế, quản lý cấp cao, đặc biệt là chuyển giao dây chuyền sản xuất giày dép hiện đại nhất hiện nay cho ngành. Hàng năm, Chính phủ Italia cũng tài trợ cho doanh nghiệp da giày của Việt Nam sang các thị trường khối EU để tìm hiểu và tiếp cận với công nghệ mới, xu hướng thời trang và thị hiếu tiêu dùng.
Như vậy, cùng với những nhà đầu tư lớn đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, doanh nghiệp EU cũng đã trở thành những nhà đầu tư triển vọng của ngành da giày Việt Nam. Như sự kỳ vọng của lãnh đạo Lefaso, đối tác EU có lợi thế về nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật, khi đầu tư vào Việt Nam họ cần hợp tác với doanh nghiệp sở tại để nắm bắt thủ tục, văn hóa kinh doanh. Việt Nam có lợi thế về nhân công dồi dào kết hợp với vốn, công nghệ từ nhà đầu tư EU sẽ là sự kết hợp hài hòa, phát huy được thế mạnh của cả 2 phía.
Kiểm soát gian lận thương mại
Quy tắc xuất xứ trong EVFTA không quá khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam bởi da giày Việt Nam từ trước đến nay vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi GSP do phía EU dành cho các nước có nền kinh tế đang phát triển. Để hưởng ưu đãi này, doanh nghiệp trong nước đã phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ GSP, trong khi đó so với GSP, quy tắc xuất xứ trong EVFTA gần như không thay đổi. Vì vậy đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi EVFTA đi vào thực thi và sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân vẫn khuyến cáo, gian lận thương mại là thách thức lớn trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có EVFTA. Do được hưởng những lợi ích hấp dẫn nên khả năng làm giả quy tắc xuất xứ hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp làm sai mà sẽ gây hại cho cộng đồng doanh nghiệp khi EU áp đặt biện pháp chống gian lận thương mại cho cả ngành công nghiệp.
Giải pháp cho vấn đề này, đầu tiên doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ tác hại của gian lận thương mại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quá trình xuất khẩu, nhất là với doanh nghiệp bắt đầu tham gia xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công vào EU thì cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các dòng hàng cũng như đối tác ký kết hợp đồng để tránh trường hợp bị mượn tư cách.
Phía cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi chặt chẽ số liệu xuất khẩu, vấn đề chuyển cảng cũng phải được theo dõi, trong trường hợp có dữ liệu bất thường nhanh chóng kiểm tra và kịp thời ngăn chặn. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách cụ thể để ngăn ngừa gian lận thương mại, tránh tình trạng vụ việc đã xảy ra, gây tổn thất mới có biện pháp. “Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề rất quan trọng phải được cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu nghiêm túc. Một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu, một mặt vẫn kiểm soát được thị trường mới có thể đảm bảo một môi trường minh bạch” - bà Xuân chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận