Doanh nghiệp cần tuân thủ quy tắc xuất xứ
Trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ thời gian gần đây tăng cao đột biến, các chuyên gia cho rằng phải quản lý chặt về nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, để nhằm giảm thiểu rủi ro từ việc bị nước nhập khẩu áp đặt các biện pháp thuế mang tính trừng phạt.
TBKTSG: Xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến trong sáu tháng đầu năm dấy lên quan ngại về tình trạng hàng Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để tìm đường sang Mỹ. Bà đánh giá ra sao về nhận định này?
- Bà Trần Thị Thu Hương: Chiến tranh thương mại là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng sang Mỹ trong bối cảnh sản phẩm cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế nặng. Song, đi cùng với cơ hội này là dòng dịch chuyển đầu tư và thương mại của quốc gia láng giềng sang Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội, bài toán đặt ra là đảm bảo sản phẩm xuất sang Mỹ đáp ứng được quy tắc xuất xứ tại Việt Nam, tránh tình trạng hàng hóa Trung Quốc “hóa phép” thành hàng Việt bằng việc chỉ dựng nhà xưởng đơn giản, nhập hàng về, thay đổi bao bì nhãn mác.
Khi phát hiện tình trạng như vậy, chúng tôi đã thông báo điểm cấp CO (Certificate of Origin) trong toàn bộ hệ thống, làm rõ liệu doanh nghiệp đó có thực sự sản xuất? Có đầy đủ trang thiết bị máy móc? Linh kiện điện tử và gỗ ván ép là một trong số những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ thời gian qua. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp gia công, gá lắp đơn giản và đã từ chối cấp CO cho doanh nghiệp này.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận thương mại phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành, đặc biệt là cơ quan hải quan. Đây là cơ quan đầu tiên tiếp nhận linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, cũng là cơ quan kiểm soát cuối cùng hàng xuất đi. Những sản phẩm linh kiện điện tử, gỗ MDF, và những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đột biến sang Mỹ phải được đưa vào diện quản lý rủi ro. Bên cạnh kiểm soát sản phẩm, doanh nghiệp có hoạt động vừa xuất, vừa nhập khẩu cũng cần phải đưa vào diện theo dõi.
Song gian lận thương mại giờ tinh vi hơn trước rất nhiều. Trước đây doanh nghiệp vừa nhập khẩu và xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất, nếu có hành vi gian lận thương mại, cơ quan quản lý dễ phát hiện. Nhưng giờ doanh nghiệp nhập hàng về, bán cho vài công ty nữa mới xuất đi. Sản phẩm chạy vòng quanh như vậy rất khó để xác định xuất xứ.
Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sáu tháng đầu năm đạt 27,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, các thị trường truyền thống khác như EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có tốc độ tăng chậm, dưới 10%, thậm chí tăng trưởng xuất khẩu sang EU giảm 0,4%. |
TBKTSG: Việt Nam cấp chứng nhận xuất xứ là một chuyện, nhưng việc Mỹ có chấp nhận nguồn gốc sản phẩm đó không lại là chuyện khác, bà bình luận điều này thế nào?
- Tôi xin lấy hai ví dụ để làm rõ hơn quy định về xuất xứ hàng hóa của nước này.
Một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng dệt may xuất đi Mỹ. Sản phẩm của doanh nghiệp dùng vải nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi bìa carton, chỉ, phụ kiện khác dùng của Việt Nam. Chiếu theo quy tắc xuất xứ trong nước, sản phẩm này được gắn nhãn “Made in Vietnam” vì đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã HS (từ nguyên liệu sang thành phẩm là hàng may mặc) và quy định sản xuất vượt qua công đoạn gia công đơn giản.
Song doanh nghiệp kể trên vẫn phải dán nhãn “Made in China” trên sản phẩm xuất khẩu vì theo quy tắc xuất xứ không ưu đãi của Mỹ, xuất xứ của sản phẩm dệt may phải là nơi nguyên liệu vải được dệt.
Hay ví dụ gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tuyên bố sẽ áp mức thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, với nguyên liệu sử dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan. Các doanh nghiệp hiện sử dụng nguồn nguyên liệu có thể từ trong nước hoặc nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, sau đó gia công, cán nguội, cắt hình và xuất đi Mỹ. Theo quy định của Việt Nam, những sản phẩm này đáp ứng được quy tắc xuất xứ tại Việt Nam. Song, phía Mỹ cho rằng nguồn gốc xuất xứ của thép phải là nơi diễn ra công đoạn cán nóng.
Như vậy, sản phẩm dù đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Việt Nam nhưng thị trường của các nước nhập khẩu không chấp nhận thì quy định của Việt Nam không còn ý nghĩa nữa. Thực tế, quy định về quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản thương mại khi một quốc gia muốn bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
TBKTSG: Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ cần lưu ý gì tại thời điểm này, thưa bà?
- Doanh nghiệp trước tiên phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ trong nước. Muốn vậy, họ cần phải hiểu thế nào là sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.
Có hai loại quy tắc xuất xứ là ưu đãi và không ưu đãi. Sản phẩm có được giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi sẽ được miễn thuế khi xuất sang thị trường mà Việt Nam có thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sản phẩm không được cấp xuất xứ ưu đãi sẽ tự động được cấp giấy chứng nhận xuất xứ không ưu đãi. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp còn bị nhầm lẫn thời gian qua.
Nhiều khi việc cấp chứng nhận xuất xứ không ưu đãi còn khó hơn. Các hiệp định thương mại (FTA) quy định các doanh nghiệp được sử dụng nguyên liệu từ các nước nội khối để cộng gộp vào hàm lượng giá trị sản phẩm của nước mình và xuất khẩu đi. Trong khi, đối với quy tắc xuất xứ không ưu đãi, sản phẩm không được phép cộng gộp nguyên liệu như vậy.
Có hai nguyên tắc cơ bản để xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm:
Thứ nhất, sản phẩm đó phải vượt qua được quá trình chuyển đổi cơ bản, tức mã số HS của nguyên liệu đầu vào được sử dụng trong quá trình sản xuất khác với mã số HS của thành phẩm cuối cùng khi sản phẩm đó được sản xuất ra. Đồng thời, sản phẩm đó phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản. Điều 9, Nghị định 31 quy định những hoạt động gia công đơn giản bao gồm hoạt động bảo quản, lưu giữ sản phẩm; ngâm muối, sấy khô, gá lắp đơn giản sản phẩm với nhau, thay đổi bao bì, nhãn mác, sang chiết sản phẩm…
Như vậy, sản phẩm phải có sự chuyển đổi mã số HS và vượt qua công đoạn gia công đơn giản sẽ được cấp chứng nhận xuất xứ không ưu đãi tại Việt Nam. Ví dụ, một doanh nghiệp nhập toàn bộ nguyên liệu từ da, đế giày, chỉ... để sản xuất giày xuất khẩu. Quy trình sản xuất đã trải qua công đoạn gia công từ cắt, may, đóng giày… Đây là quy trình chuyển đổi cơ bản từ nguyên liệu đầu vào thành một sản phẩm mới với chức năng sử dụng mới. Sản phẩm này đáp ứng được tiêu chí xuất xứ dù sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu.
Cách xác định quy tắc xuất xứ thứ hai dựa vào tỷ lệ phần trăm. Quy định này chỉ cho phép sử dụng một tỷ lệ phần trăm nhất định nguyên phụ liệu nhập khẩu. Theo FTA mà Việt Nam ký kết, hàm lượng giá trị gia tăng của các nước trong khu vực ở mức trên 40% sẽ được cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi. Đối với quy tắc xuất xứ không ưu đãi, hàm lượng này phải trên 30%. Khi áp dụng tiêu chí tỷ lệ phần trăm, doanh nghiệp phải liệt kê toàn bộ nguyên liệu được sử dụng, tính toán nguyện liệu nào được sản xuất ở Việt Nam để xem sản phẩm có đáp ứng được quy tắc xuất xứ không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận