“Doanh nghiệp cần liên kết để lớn lên trong hội nhập”
Nhìn lại chặng đường dài hơn 30 năm gắn bó, từ những ngày đầu hội nhập, cho đến những cuộc đương đầu với vụ kiện chống bán phá giá, bảo hộ thương mại... và nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với những cam kết rất cao, Luật sư, TS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) có những chia sẻ kinh nghiệm thiết thực cho doanh nghiệp trong hội nhập.
Từ góc độ xây dựng, phản biện và thực thi chính sách, pháp luật về hội nhập, ông có thể phân tích và bình luận về những đổi thay của Việt Nam sau nhiều năm hội nhập?
Sau hơn ba chục năm đổi mới, chính sách và pháp luật của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, trong đó nhiều cái tốt hơn lên. Nhất là nhìn ở khía cạnh doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, ngày càng chủ động và tích cực hơn. Tuy nhiên, những chuyển biến đó chưa thực sự rõ nét, còn chậm, chưa chắc và chưa sâu. Kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ, vẫn phàn nàn thông tin về pháp luật, chính sách chưa được làm tốt. Mặt khác, một bộ phận DN, phần do thiếu ý thức, phần do thiếu nguồn lực, các hiệp hội hoạt động chưa tốt nên sự hiểu biết về chính sách và pháp luật còn chậm.
Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa rộng, ký rất nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... đòi hỏi cam kết rất cao về các tiêu chuẩn thương mại, phi thương mại, hàng rào kỹ thuật, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công... Đây đều là những vấn đề mới, khó, thách thức lớn đối với DN trong nước.
TS. Trần Hữu Huỳnh
Vậy, để tham gia cuộc chơi hội nhập, DN cần làm gì, thưa ông?
Trước tiên, DN trong nước phải tự thay đổi mình, đổi mới quản trị, công nghệ, hiểu biết, tăng vốn để sản phẩm, dịch vụ có thể thực sự cạnh tranh cả trên sân nhà lẫn trên sân khách.
Nếu một mình không thể làm được thì các DN phải liên kết với nhau. Nhưng muốn liên kết thì bản thân DN cũng phải tự sửa mình. Liên kết mà vẫn muốn “chơi” theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, không có quản trị DN tốt, không có điều hành tốt, không có nhân lực tốt, thì ai chơi với anh? Các hiệp định thế hệ mới với những chuẩn mực cao nhất hiện nay mà lại không xây dựng công ty theo những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất thì làm sao mà tham gia vào chuỗi được?
Để khai thác được các hiệp định nói trên, doanh nghiệp phải hiểu rõ bản chất của các cam kết, thách thức, thuận lợi, rủi ro và vấn đề cốt lõi của ngành hàng, dịch vụ là gì? Từ đó, cần ngồi lại với nhau, tính toán, so sánh trong tương quan với đối thủ cạnh tranh. Chúng ta phải hành động nhanh, mạnh để có sản phẩm, dịch vụ rẻ, tốt hơn thì mới có thể thắng được trong cuộc chơi này.
Hội nhập còn mang lại cơ hội liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì phải nhập hàng thì hai bên có thể liên kết sản xuất tại Việt Nam để khai thác những lợi thế của Việt Nam mà cả hai bên đều được lợi.
Ông có khuyến nghị gì về chính sách, pháp luật và biện pháp ứng phó với rủi ro, các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật...?
Về mặt kỹ thuật và nguồn lực, đến nay, một số DN, hiệp hội DN Việt Nam đã quen ứng phó với những hàng rào phi thuế quan. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để phòng tránh và hạn chế rủi ro?
Điều này đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ bằng cách cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội; mở các kênh hỏi đáp, các thông tin cảnh báo. Các hiệp hội phải hướng dẫn hội viên của mình tìm hiểu thật kỹ các hàng rào kỹ thuật ngăn cản hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cái nào là thực sự đúng, cái nào không đúng, từ đó đề ra biện pháp để đối phó.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, bây giờ không phải là lúc làm ăn nhỏ lẻ, manh mún nữa và muốn làm gì thì làm. Do đó, đòi hỏi DN sản xuất phải theo quy trình, trên quy mô lớn, bảo đảm chất lượng hàng hóa, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và được sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng, trong đó có chính quyền địa phương (từ cấp phường, cấp xã cho đến cấp huyện, tỉnh), các hiệp hội, cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và cải cách thể chế. Thời đại ngày nay là thời đại công nghệ thông tin, cho nên không thể tồn tại tình trạng DN làm ăn giả dối - hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bơm tạp chất vào tôm, đánh bắt hải sản không đúng các quy định, phun thuốc trừ sâu và sử dụng chất bảo quản vô tội vạ. Đây không chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, mà là hành động phá hoại gây thiệt hại cho cả một ngành hàng, hình ảnh của đất nước - một quốc gia đáng tin cậy, thân thiện, an toàn và đạo đức. Sau khi đã được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nếu tổ chức, cá nhân vẫn cố ý vi phạm, chế tài xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự phải nghiêm.
Vai trò của các hiệp hội cũng rất quan trọng, nhất là các hiệp hội ngành hàng. Họ vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, vừa phải phát hiện những vấn đề bất cập của môi trường kinh doanh cả trong nước và quốc tế, không chỉ là vấn đề thuế quan mà còn là hàng chục vấn đề phi thuế khác như đã đề cập ở trên. Từ đó, kiến nghị để sửa đổi môi trường kinh doanh trong nước theo hướng thân thiện, thuận lợi, minh bạch và an toàn hơn cho các hội viên. Mặt khác, họ phải tham gia vào các vụ kiện quốc tế, giúp các DN trong nước tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như đề xuất biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận