Doanh nghiệp “bỏ chạy” khỏi dự án cải tạo chung cư cũ
Tham gia dự án cải tạo chung cư cũ từng được nhiều doanh nghiệp xem là miếng bánh béo bở, nhưng thực tế đó không phải là những "phần bánh" dễ ăn.
Đau đầu vì chung cư cũ
Năm 2016, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 phải cải tạo được một nửa trong tổng số 474 chung cư cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, báo cáo vừa được Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra cho thấy, dù chỉ còn 1 năm nữa là đến thời hạn, nhưng tới nay, Thành phố mới chỉ di dời được 32 chung cư cũ. Trong khi đó, hiện có 15 chung cư cũ thuộc diện chờ sập bất cứ lúc nào và cần di dời người dân đi gấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Cúc, ngụ căn hộ tầng 2 Chung cư Bùi Viện, quận 1, TP.HCM cho biết, gia đình bà ở chung cư này đã hơn 20 năm nay, bà cũng đồng ý việc sửa chữa lại chung cư, vì nó đang có dấu hiệu sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng, bà và các hộ dân tại đây không đồng ý chính sách di dời của Thành phố hiện nay.
“Chúng tôi đang sống ở quận 1, giờ phải di dời về khu tái định cư tận huyện Bình Chánh. Về đó rồi chúng tôi làm gì sống, con cháu đi học đi làm quận 1 giờ về Bình Chánh sao sống?”, bà Cúc nói.
Đây cũng là lý do mà ở các chung cư cũ như Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Trúc Giang (quận 4), Nguyễn Thiện Thuật (quận 3)…, người dân vẫn không chịu di dời.
Trước khả năng chương trình cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2016 - 2020, một trong 7 chương trình trọng điểm của Thành phố bị vỡ kế hoạch, lãnh đạo TP.HCM suốt ruột và tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Ngày 5/7 vừa qua, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có buổi giám sát tiến độ thực hiện cải tạo, sửa chữa chung cư cũ tại quận Tân Bình.
Báo cáo tình hình di dời chung cư cũ của quận với bà Dung, ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, địa bàn quận hiện có 65 chung cư. Trong đó, 34 chung cư xây dựng trước năm 1975 (nhóm 1), 15 chung cư xây dựng sau năm 1975 (nhóm 2) và 16 chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực (nhóm 3).
Kế hoạch sửa chữa, cải tạo, xây mới chung cư cũ của quận có từ năm 2010, nhưng tới năm 2015, quận mới thực hiện xây dựng và tạo quỹ nhà tái định cư cho 1 chung cư có quy mô 137 căn. Giai đoạn từ năm 2015 - 2020, quận hiện mới chỉ đang trong giai đoạn mời thầu tháo dỡ và tìm chỗ tái định cư cho các hộ dân ở 3 chung cư cũ, các chung cư còn lại chưa có giải pháp.
Tại buổi giám sát, bà Võ Thị Dung cho rằng, cần tích cực vận động người dân di dời khỏi các chung cư cũ để tránh gây nguy hiểm cho người dân. Thế nhưng, chỉ vận động thôi thì chưa đủ. Chẳng hạn, tại tổ hợp chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, dù UBND quận có chính sách vận động nếu hộ dân nào của khu chung cư Thanh Đa chịu di dời về khu tái định cư ngay tại đường Nguyễn Xí của quận thì sẽ được cấp ngay 2 căn hộ chung cư có diện tích trên 50 m2/căn để đổi lấy một căn hộ chung cư cũ, nhưng người dân vẫn không chịu chấp thuận chủ trương trên.
Doanh nghiệp “bỏ chạy”
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện còn rất nhiều chung cư ngay tại trung tâm TP.HCM vẫn chưa có nhà đầu tư. Chẳng hạn, Chung cư Trúc Giang (quận 4), sau hàng chục năm mời gọi nhà đầu tư, đã có ít nhất 3 nhà đầu tư được chọn để sửa chữa, di dời chung cư này, nhưng rồi lần lượt bỏ đi và hiện nay chưa có nhà đầu tư mới.
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) hiện cũng trong tình trạng tương tự khi vẫn chưa có chủ đầu tư. Theo các hộ dân tại đây, thông tin di dời chung cư đã có từ 10 năm nay, nhưng hiện chính quyền vẫn tổ chức hội nghị nhà chung cư để lựa chọn nhà đầu tư và chưa có kết quả.
Tương tự, Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) hiện cũng trong tình trạng không có nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải cải tạo, xây mới chung cư này, dù đây là chung cư nằm trong diện phải di dời gấp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp từng làm chủ đầu tư một dự án di dời chung cư cũ tại quận 1, TP.HCM cho rằng, đầu tư cải tạo chung cư cũ hiện nay như đánh cược. Công ty ông cũng đã từ bỏ dự án cải tạo một khu chung cư dù đã được chấp thuận chủ đầu tư.
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với chương trình cải tạo chung cư cũ, ngoài khó khăn trong công tác di dời người dân, còn một khó khăn nữa là về tỷ tiêu quy hoạch.
Điển hình Chung cư 155-157 Bùi Viện, chỉ tiêu quy hoạch mật độ xây dựng ban đầu 100%, nhưng bây giờ rút lại còn 75% vì phải tạo độ lùi theo ranh lộ giới. Ngoài ra, một số chung cư đã di dời hàng chục năm nay, nhưng nhà đầu tư muốn tham gia phải chi trả số tiền hỗ trợ tạm cư cho cư dân, con số này lên đến hàng chục tỷ đồng...
Ngày 20/6 vừa qua, Tập đoàn Novaland đã có văn bản gửi tới UBND quận 1 với nội dung đề nghị cho phép xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ tại địa chỉ số 155-157 Bùi Viện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho biết, đơn vị này cam kết thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ theo quy định, đảm bảo 100% hộ dân trong diện di dời nếu có nhu cầu tái định cư tại chỗ sẽ được bố trí chỗ ở tại các dự án của Tập đoàn đến khi việc xây dựng dự án mới hoàn thành. Thời gian cam kết xây dựng bàn giao là 30 tháng kể từ khi được cơ quan ban ngành có thẩm quyền cấp quyết định giao đất.
“Tập đoàn hiện có hơn 1.000 căn hộ tại phường Cô Giang, quận 1 và nhiều quỹ nhà khác tại các dự án ở các quận, huyện như quận 2, 4, 9, Tân Phú… Đây là lợi thế để Tập đoàn đề nghị UBND quận 1 cho phép tham gia đầu tư xây dựng chung cư thay thế chung cư cũ tại số 155-157 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1”, đại diện Novaland cho biết.
Trước đó, vào năm 2017, Novaland cũng đã di dời thành công Chung cư Cô Giang, quận 1. Khu đất của chung cư cũ này được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư dự án căn hộ cao cấp hơn 1.000 căn hộ và mở bán năm 2019.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thực tế, nhiều năm trước, các chung cư này đều có chủ đầu tư. Tuy nhiên sau đó, vì thời gian chờ đợi công tác di dời người dân quá lâu, nên doanh nghiệp đành bỏ đi.
“Chính quyền địa phương và doanh nghiệp thì muốn người dân di dời về những nơi tái định cư, nhưng những nơi tái định cư lại quá xa trung tâm Thành phố và không đưa ra được giải pháp an sinh cho người dân. Trong khi đó, người dân yêu cầu ở tại trung tâm Thành phố, nên đã không đồng nhất ý kiến. Đây là nguyên nhân khiến người dân không chấp thuận di dời đi nơi khác, dù đều nhất trí chủ trương sửa chữa lại chung cư cũ”, ông Châu nói.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, muốn đạt chỉ tiêu giải tỏa một nửa chung cư cũ như kế hoạch mà Thành phố đề ra là rất khó. Trong đó, vấn đề khăn nhất là tìm được tiếng nói đồng thuận với người dân, rất khó có được sự đồng ý của 100% người dân.
Ông Bình dẫn chứng, tại chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3) hiện chỉ có 1 hộ không đồng thuận di dời, khiến mọi thủ tục phải ngưng. Chính vì vậy, cần một giải pháp hợp lý nhất để có được tiếng nói đồng thuận giữa người dân và nhà đầu tư thì mới đạt được chỉ tiêu trên. Thế nhưng, hiện chính quyền vẫn chưa tìm được giải pháp để có được tiếng nói đồng thuận của cư dân.
Tuy nhiên, theo ông Châu, bài toán trên thực tế không khó giải, mà
Novaland là doanh nghiệp đã từng giải được bài toán này. Đó là nếu các doanh nghiệp bất động sản hỗ trợ người dân di dời về những dự án chung cư mà họ đã xây để người dân an tâm về vị trí dự án, chất lượng căn hộ và tiện ích, thì người dân sẽ đồng ý di dời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận