Doanh nghiệp BĐS lo ngại sẽ 'chết' trên đống tài sản khổng lồ
Nhà đất không bán được nhưng các chi phí vẫn phải chi, đặc biệt là gánh nặng về lãi vay ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản đang phải ăn dần vào tiền tích cóp.
Ăn dần vào tiền tích cóp
Thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức, khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19 gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành làm doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một Tập đoàn bất động sản ở quận 3, TPHCM cho biết, hiện nay doanh nghiệp ông có gần 2.000 nhân viên, mỗi tháng lo tiền trả lương cho nhân viên đã đuối. Trong khi đó, hầu hết các dự án gần như “đóng băng”, không triển khai cũng không bán được hàng. Những khách hàng đã mua nhà, đất trước đây hiện nay đến kỳ cũng không tiếp tục thanh toán. Họ làm đơn xin gia hạn, thậm chí nhiều khách hàng xin hủy hợp đồng, lấy lại tiền.
“Chúng tôi đang phải ăn dần vào tiền tích cóp, đang cắn vào đuôi mình để sống. Nhà đất không bán được nhưng các chi phí vẫn phải chi, đặc biệt là gánh nặng về lãi vay ngân hàng”, vị này lo lắng.
Một ông chủ khác lại nói rằng, đất có nhưng không thể triển khai được dự án do chưa xong khâu duyệt quy hoạch 1/500, dù UBND TPHCM đã có các văn bản cho điều chỉnh cục bộ. Khó khăn về thủ tục dẫn đến khó khăn về tài chính. Không có nguồn thu nên doanh nghiệp phải đi vay để duy trì hoạt động, từ đó lãi vay đè nặng doanh nghiệp.
“Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi sẽ phá sản vì đã 2 năm nay không có thêm dự án nào xong để mở bán. Sở dĩ chúng tôi cầm cự được vì còn thu một ít từ các dự án trước mới có nguồn trả lương nhân viên, trả lãi vay”, vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám Đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, doanh nghiệp bất động sản đang phải đối diện với kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng, các chủ đầu tư đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ. Doanh thu bán hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay, doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch doanh thu đề ra là sự nỗ lực không đơn giản.
Báo cáo tài chính quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang cho thấy những khó khăn về dòng tiền kinh doanh. Dù phần nhiều các doanh nghiệp bất động sản trên sàn báo cáo lợi nhuận nhưng thực tế dòng tiền hoạt động thì lại là âm. Thậm chí có cả các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng bị âm dòng tiền kinh doanh như Hải Phát Invest (âm 1.500 tỷ đồng), CenLand (âm 885 tỷ đồng), Công ty Khang Điền (âm 841 tỷ đồng), DIC Corp (âm 353 tỷ đồng), Công ty Nam Long (âm 156 tỷ đồng)…
Lo ngại doanh nghiệp "chết trên đống tài sản"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, cái khó đầu tiên là các thủ tục pháp lý, quy định pháp luật ách tắc đã nói rất nhiều nên không nhắc lại trong bối cảnh này. Hiện nay, thiếu dòng tiền mới là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất, vì tương tự như cơ thể bị thiếu oxy có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức.
Theo khảo sát của HoREA, phần lớn doanh nghiệp không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động. Không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn này, do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, giao dịch bị sụt giảm mạnh. Đáng chú ý là mất thanh khoản khi không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.
Cái khó thiếu dòng tiền có liên quan trực tiếp đến cái khó về tín dụng vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Thậm chí có doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải vay nóng để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn.
Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn. Điều này dễ khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.
“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu. Mặc dù doanh nghiệp vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền và có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, ông Châu nói.
Do đó, HoREA kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch lần này. Trong đó, đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận