menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo Toàn

Doanh nghiệp bất động sản gồng mình vượt dịch

Doanh nghiệp bất động sản đang dần phục hồi thì lại bị "dội gáo nước lạnh" xuống đầu

Không khí hồ hởi của thị trường địa ốc phía Nam dường như bị “dội gáo nước lạnh” khi các dự án mới đang nối nhau ra hàng thì cơn bão Covid-19 lần thứ tư ập đến…

Thị trường đang vào đà…

Nhìn lại quý I/2021, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM chứng kiến sự phục hồi với con số mở bán mới khoảng 3.900 căn, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư mới được ban hành; tổng lượng căn bán được đạt gần 4.000 căn, tăng 98% so với cùng kỳ.

Sự manh nha trở lại của thị trường bất động sản cũng diễn ra trên nhiều địa phương cả nước, bởi báo cáo công bố hồi cuối tháng 5/2021 của Tổng cục Thuế chỉ ra rằng, dù thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công giảm vì dịch bệnh, nhưng tổng số thuế thu nhập cá nhân 4 tháng đầu năm vẫn đạt 52.358 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ, với sự đóng góp chủ yếu từ các lĩnh vực thương mại điện tử, chứng khoán, kinh doanh bất động sản.

Trong đó, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán tăng 220,58% và từ bất động sản tăng 57,6%. Tại địa bàn TP.HCM, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản còn có mức tăng cao hơn với con số tăng 83,75% so với cùng kỳ 2020.

Sự hồ hởi là không khí mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận ở khắp ngõ ngách thị trường, từ những cơn sóng tăng giá thực ở phân khúc đất nền, nhà phố đến thanh khoản rất tốt ở phân khúc căn hộ; nhiều doanh nghiệp địa ốc rốt ráo mở rộng văn phòng, tuyển dụng nhân sự, xây dựng nguồn hàng…

Tuy nhiên, khi tất cả đang vào đà thì làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại và theo chia sẻ của hầu hết các doanh nghiệp địa ốc, đợt dịch này gây khó khăn nặng nề nhất không chỉ vì tính chất phức tạp của các ổ dịch, sự dễ lây nhiễm của các biến chủng virus, mà còn vì nguồn lực của phần lớn các doanh nghiệp đã bị “vắt kiệt” trong suốt giai đoạn dài vừa qua.

Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time nói rằng, những khó khăn chồng chất từ đầu năm 2020 đến nay bào mòn “sức đề kháng” vốn rất mong manh của doanh nghiệp địa ốc và đợt dịch nọ nối tiếp đợt dịch kia khiến phần đông chủ đầu tư trở tay không kịp “vì thời gian ngắn ngủi không đủ để triển khai các phần việc đưa sản phẩm ra thị trường, còn dòng tiền rẻ chủ yếu tập trung vào mua đất nền, đất đồi, đất rẫy…”.

Theo ông Tiến, nhiều doanh nghiệp môi giới đã lặng lẽ rời bỏ thị trường vì không có sản phẩm để bán, trong khi áp lực chi phí duy trì hoạt động đè nặng từng ngày. Trong khi đó, để tồn tại, nhiều đơn vị phải xoay xở đủ cách, chẳng hạn như câu chuyện của ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc Á Châu.

“Trong giai đoạn dịch bệnh, nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều người có nhu cầu ở một nơi giãn cách, gần thiên nhiên với khoảng cách đủ để cuối tuần đi về như một chuyến dã ngoại của cả gia đình”, ông Hạnh phân tích và cho biết, sau khi khảo sát thị trường, ông quyết định chọn Bảo Lộc, Lâm Đồng để thực hiện ý tưởng đầu tư dự án nhà vườn, bởi nơi đây là vùng đất được mệnh danh với “đặc sản” của khí hậu và thiên nhiên, gần TP.HCM và có kết nối hạ tầng thuận tiện.

Cũng như Ngọc Á Châu, nhiều doanh nghiệp cũng đã chọn thị trường ngách ở Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… phát triển các dự án cỡ nhỏ hoặc vừa để để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, điều này lại gây ra một “tác dụng phụ” khi đất đai ở những khu vực này nóng lên, xuất hiện những bất ổn dưới bàn tay của các cò đất và nhà đầu cơ khiến nhiều địa phương mạnh tay siết chặt thủ tục.

Chẳng hạn, mới đây nhất, ngày 2/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn 3627/UBND-ĐC giao Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn tỉnh. Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có công văn về việc tạm dừng các thủ tục chuyển nhượng cho nhiều hộ gia đình, cá nhân có chung quyền sử dụng một thửa đất (đất đồng sở hữu) đối với các trường hợp diện tích bình quân/hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong cùng một thửa đất thấp hơn diện tích tối thiểu tách thửa quy định trên địa bàn tỉnh.

Theo đại diện các doanh nghiệp, tình trạng thủ tục bị siết chặt ở nhiều thị trường cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp sẽ khiến cho thị trường bất động sản khó càng thêm khó.

“Thước đo” sinh tồn

Ba kịch bản lạc quan, trung bình và bi quan đã được lãnh đạo một doanh nghiệp đưa ra khi trao đổi với phóng viên về cách ứng phó với đợt sóng Covid lần này. Theo đó, lạc quan nhất là dịch được khống chế trước tháng 7 năm nay và vắc-xin được tiêm rộng rãi từ quý III/2021 trở đi, khi đó doanh nghiệp cơ bản giữ được hoạt động, nhân sự và kế hoạch kinh doanh. Kịch bản trung tính là các ổ dịch lớn được khống chế, dù một vài ca nhiễm nhỏ vẫn có khả năng xuất hiện khiến các đợt bán hàng vẫn phải giãn cách hết quý III năm nay; còn kịch bản bi quan “nếu dịch bệnh bùng phát kéo dài thì… đành phải đóng cửa chứ biết làm sao”, vị này thở dài.

Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, tự tin hơn, ông Lê Trọng Khương, Phó tổng giám đốc Tài chính Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, Covid-19 chỉ là khó khăn ngắn hạn, thậm chí đây là còn là giai đoạn để các doanh nghiệp lên kế hoạch đường dài.

“Chiến lược phát triển của Tập đoàn Hưng Thịnh không phải là 6 tháng hay một năm, mà được vạch ra trong 5 - 10 năm và hầu hết kế hoạch triển khai dự án, nguồn cung sản phẩm cũng đã được đặt ra từ trước, do vậy việc xảy ra dịch bệnh không bị tác động nhiều”, ông Khương nói, đồng thời cho rằng, điều mà Tập đoàn Hưng Thịnh đang làm lúc này là yêu cầu toàn thể cán bộ nhân viên tuân thủ quy định cũng như chủ động có các biện pháp phòng chống dịch, một mặt lên kế hoạch chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách giãn tiến độ thanh toán.

Thực tế, dường như Hưng Thịnh đã “tận dụng” quãng thời gian dịch bệnh để tái cơ cấu một cách triệt để khi ngay từ đầu năm 2020, Tập đoàn đã rốt ráo hoàn thiện tái cấu trúc, đổi mới và xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái bao gồm đầu tư và phát triển các loại hình bất động sản, xây dựng, công nghệ PropTech và Fintech, kinh doanh trên nền tảng số…

Một trong những điểm quan trọng của việc tái cấu trúc, theo ông Khương, Tập đoàn Hưng Thịnh đang chuyển giao việc đầu tư, phát triển và kinh doanh toàn bộ hơn 100 dự án bất động sản với quỹ đất trên 4.500 ha cho Hưng Thịnh Land, đơn vị thành viên nòng cốt của Tập đoàn.

Dự phòng trước các tình huống dịch bệnh xảy ra nên khi xuất hiện các tình huống này, ngay lập tức các phương án thích ứng đã được Tập đoàn Novaland kích hoạt nhằm đảm bảo hoạt động của Công ty không bị gián đoạn, bao gồm hoạt động kinh doanh và tiến độ xây dựng tại các công trường.

“Hiện dù thị trường bất động sản có phần chững lại, nhưng chúng tôi vẫn ghi nhận nhu cầu tìm hiểu sản phẩm của khách hàng khá cao”, đại diện Novaland nói và cho biết, năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục phát triển sản phẩm nhà ở phân khúc trung và cao cấp trên các quỹ đất sẵn có tại trung tâm TP.HCM, Novaland đẩy mạnh các sản phẩm bất động sản đô thị du lịch và khu đô thị vệ tinh, đặc biệt là những sản phẩm có nhu cầu thiết thực, phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số khách hàng.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi, dịch bệnh là yếu tố khách quan không ai tránh được, nên vấn đề của doanh nghiệp lúc này là làm sao duy trì hoạt động, đảm bảo được nguồn lực chờ dịch bệnh lắng xuống để có thể nắm bắt cơ hội mới.

“Với Tập đoàn Danh Khôi, chúng tôi đã xác định mục tiêu phát triển dài hạn, nên trong khó khăn bao giờ cũng sẽ có cơ hội. Từ đầu năm 2020, dù thị trường có nhiều khó khăn, nhưng Danh Khôi vẫn âm thầm mua lại khá nhiều dự án tốt để đầu tư một cách chỉn chu”, ông Bảo nói và cho biết, đến thời điểm hiện nay, dù dịch bệnh đang hoành hành, nhưng Danh Khôi không cắt giảm nhân sự, ngược lại còn đang triển khai chiến dịch tuyển dụng rất lớn với số lượng tuyển mới khoảng 1.500 nhân sự và chuẩn bị các nền tảng công nghệ bán hàng để sẵn sàng bứt phá sau dịch.

Thực tế, theo các chuyên gia, sức cầu bất động sản, đặc biệt là các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực mà ít có tính đầu tư sẽ giảm trong ngắn hạn do thu nhập người dân sụt giảm, tâm lý phòng thủ chờ đợi. Tuy nhiên, bài toán là “ai cầm cự được lúc này sẽ có cơ hội lớn để trở thành những nhà tạo lập thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát”.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả