24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp bất động sản đang ‘ngộp thở’ vì thiếu 'ô-xy dòng tiền'

Dịch bệnh bùng phát kéo dài khiến các doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng "kẹt tiền, kẹt vốn".

Dịch Covid-19, khiến hầu hết các loại hình doanh nghiệp lâm vào tình trạng kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản. Mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị "chết" trên đống tài sản của chính mình.

Doanh nghiệp không huy động được vốn

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, lĩnh vực bất động sản (BĐS) đóng góp khoảng 7 - 8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay thiếu dòng tiền mới là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất, tương tự như cơ thể bị thiếu ô-xy. Việc thiếu "ô-xy dòng tiền" có thể làm cho doanh nghiệp (DN) bị "ngộp thở" ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ; không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động; không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn này.

Cái khó thiếu dòng tiền có liên quan trực tiếp đến cái khó về tín dụng. Vì trong lúc này, lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và DN vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Ngoài ra, do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.

Mỗi một ngày qua đi, DN phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải vay nóng để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn, mà đã bị xếp loại nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn thì DN sẽ lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.

Do vậy, được tiếp cận tín dụng trong lúc này hơn lúc nào hết chính là "ô-xy tín dụng" cấp cứu cho DN và phải trông cậy vào "máy trợ thở" dòng tiền từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Kiến nghị ngân hàng "chia lửa" cùng doanh nghiệp

Trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì các NHTM chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng DN cũng là đạo lý kinh doanh, vì tất cả đều cùng trên "một con thuyền", cùng nhau chèo chống vượt qua phong ba bão táp, mà trước hết DN rất cần được giảm lãi vay; gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn và tạo điều kiện cho DN được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án. Bởi lẽ, DN mà sống được thì ngân hàng mới sống khỏe được.

“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi DN phải đương đầu. Mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên DN có thể bị "chết" trên đống tài sản của chính mình” – ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các DN cũng cần thấu hiểu và chia sẻ với những cái khó riêng của các NHTM vì ngân hàng cũng là DN, phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, nên ngân hàng và DN cần cùng nhau giải quyết hài hoà lợi ích của các bên.

Trong gần hai năm qua, HoREA cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo quyết liệt các NHTM thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho DN. Các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay cho khoảng gần 800.000 khách hàng, bao gồm các DN, hộ gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giảm lãi vay trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho DN khoảng 18.830 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hầu như các DN BĐS chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Mới đây, 16 NHTM đã tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ các DN, với số lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Riêng 4 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank còn cam kết giảm thêm 1.000 tỷ đồng tiền lãi của mỗi ngân hàng để giảm lãi vay cho các khách hàng với mức giảm lãi suất từ 0,5% - 1,5% tuỳ từng trường hợp, đồng thời có ngân hàng đưa mức lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống còn 7%/năm.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, HoREA đề nghị NHNN cho phép các tổ chức tín dụng, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (DN, bao gồm DN BĐS, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021). Nhất là, việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các DN, trong đó có DN BĐS bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới...

Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay HoREA đề nghị NHNN khuyến nghị các NHTM xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay./.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả