Doanh nghiệp bất động sản chạy đua số hóa
Không đứng ngoài xu hướng, các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản cũng đã bước vào cuộc đua số hóa.
Bùng nổ chuyển đổi số
“Các công nghệ mới đang tác động tích cực đến cách thức các nhà kinh doanh bất động sản thực hiện công việc hàng ngày của họ”, ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Hệ sinh thái số Houze chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán trong một sự kiện về Proptech vừa diễn ra và cho rằng, mức độ thành công của các doanh nghiệp bất động sản đang phần nào thể hiện qua tốc độ số hóa hệ sinh thái kinh doanh.
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản lớn bắt đầu đầu tư mạnh cho các trang giao dịch bất động sản trực tuyến, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng nhằm kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư lẫn khách hàng trên nền tảng online.
Đơn cử, Tập đoàn Hưng Thịnh - nhà phát triển dự án và môi giới bất động sản tại TP.HCM, mới đây đã công bố chi 10 triệu USD vào Proptech - ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản, với tham vọng tạo ra một nền tảng có thể phục vụ cho tất cả chủ thể tham gia thị trường bất động sản.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến này trong một khoảng thời gian đủ dài, cộng với sự am hiểu thị trường, Hưng Thịnh tin rằng sản phẩm công nghệ mang đặc thù riêng này sẽ được thị trường đón nhận”, ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn nói và thông tin thêm, ứng dụng dự kiến ra mắt vào năm 2021.
Theo đó, Hưng Thịnh sẽ đổi mới và xây dựng hệ sinh thái gồm đầu tư và phát triển các loại hình kinh doanh bất động sản, xây dựng, công nghệ Proptech và Fintech, kinh doanh trên nền tảng số… Theo chia sẻ, ứng dụng này sẽ tạo ra một sân chơi mà nhu cầu của tất cả chủ thể tham gia thị trường bất động sản từ chuyên nghiệp đến bán thời gian sẽ được đáp ứng. Trong năm đầu tiên ra mắt, Hưng Thịnh kỳ vọng thu hút khoảng 30.000-50.000 nhà môi giới chuyên nghiệp tham gia vào nền tảng.
Thị trường hiện nay đặt dưới góc nhìn công nghệ thì không còn khái niệm ‘cá lớn nuốt cá bé’ nữa, mà là ‘cá nhanh ăn cá chậm’, mà muốn nhanh và đột phá thì chỉ có đẩy mạnh áp dụng công nghệ TS. Cấn Văn Lực
Với Sunshine Group - nhà phát triển dự án bất động sản có trụ sở ở Hà Nội này chọn hướng tiếp cận khác, đó là tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng. Theo đó, ngoài chức tăng quản lý, ứng dụng Sunshine App của Sunshine Group còn tích hợp tính năng dành cho đối tượng quan tâm tới đầu tư tài chính hay giáo dục.
Một trong các tính năng gây chú ý của Sunshine App là cho phép “mua chung” bất động sản khi khách hàng có thể tham gia đầu tư với số vốn từ 100 triệu đồng. Theo như quảng cáo của Sunshine, giải pháp này có thể mang lại cho khách hàng mức lợi nhuận 14-15%/năm.
Còn với hệ sinh thái Houze, ông Phạm Lâm cho biết, mục tiêu là để tạo lập chuỗi dịch vụ liên kết chặt chẽ trên nền tảng chung, khi mà xu thế kinh tế theo nhu cầu đang phát triển. Điều này giúp cho khách hàng có trải nghiệm tổng thể, thay vì chọn đơn lẻ trong chuỗi giá trị bất động sản - tài chính.
Ngoài những doanh nghiệp nói trên, nhiều tên tuổi khác trong ngành như Vinhomes, Gamuda Land, Cengroup, Vạn Phúc Group… cũng đang tích cực đầu tư số hóa hệ thống để không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm, định vị khách hàng mục tiêu, mà còn thu thập dữ liệu về hành vi mua bán, quản lý hiệu quả dự án thông qua phân lớp cho đội ngũ kinh doanh, theo dõi các khoản trả trước…
Cá "nhanh" ăn cá "chậm"
Với bất động sản, thị trường lâu nay đã quá quen thuộc với cụm từ “cá lớn nuốt cá bé”, nhưng trong cuộc đua chuyển đổi số, “nhanh” và “chậm” là 2 yếu tố quyết định sự thành bại.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Trung, Phó giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, trên thị trường hiện nay có 2 loại hình doanh nghiệp phát triển Proptech: Một là doanh nghiệp bất động sản truyền thống thực hiện chuyển đổi số và hai là doanh nghiệp start-up xây dựng nền tảng Proptech. Trong đó, loại hình thứ hai mang nhiều yếu tố công nghệ hơn và khi đánh giá một Protech thì sẽ xem xét kỹ về công nghệ và trải nghiệm người dùng.
Ở góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định rằng, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam tương đối chậm so với các ngành, lĩnh vực khác.
Theo ông Lực, các ngân hàng lâu nay đã hợp tác với các công ty Fintech để tạo nên hệ sinh thái kinh doanh tiền tệ, bất động sản không còn con đường nào khác là phải tích hợp Proptech để phát triển. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản khi chuyển đổi số là nguồn nhân lực có nền tảng về công nghệ không cao, nếu giải được bài toán này thì sẽ nâng cao được lợi thế cạnh tranh.
“Thị trường hiện nay đặt dưới góc nhìn công nghệ thì không còn khái niệm ‘cá lớn nuốt cá bé’ nữa, mà là ‘cá nhanh ăn cá chậm’, mà muốn nhanh và đột phá thì chỉ có đẩy mạnh áp dụng công nghệ”, ông Lực nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam cho rằng, nền tảng công nghệ và niềm tin khách hàng là 2 rào cản chính mà doanh nghiệp bất động sản cần phải vượt qua khi thực hiện chuyển đổi số.
Theo ông Kiệt, nếu hạn chế về công nghệ có thể sớm bù đắp thì niềm tin khách hàng là thách thức khó giải quyết trong một sớm một chiều, bởi giá trị của một sản phẩm bất động sản không hề nhỏ với đa số người mua, cộng thêm các yếu tố về văn hóa, phong thủy... là lý do khiến những người đi mua nhà luôn muốn “xem tận mắt, sờ tận tay”.
“Rất nhiều chủ đầu tư đã đầu tư mạnh vào công nghệ như một kênh hỗ trợ, tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái kinh doanh bất động sản đã có sẵn, nhưng để có thể thay thế hệ thống môi giới truyền thống thì cần thêm nhiều thời gian”, ông Kiệt nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận