Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lao đao vì chiết khấu thấp, nhiều cửa hàng đóng cửa
Ngày 14.5 tới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (thay thế cả 3 nghị định trước đây là Nghị định 80, 95 và 83).
Đề nghị xử lý doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mua bán lòng vòng, thu lợi bất chính
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, công ty ông và nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác thường xuyên thua lỗ do chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho doanh nghiệp bán lẻ rất thấp, thậm chí âm nếu tính các chi phí vận chuyển, nhân công...
Do vậy, nhiều cửa hàng xăng dầu đã phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ. Trước đây, các doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước có khoảng 12.000 cửa hàng xăng dầu, đến nay chỉ còn chưa tới 8.000.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối lại liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ, như Petrolimex chưa tới 2 năm đã có thêm hơn 2.500 cửa hàng (nâng lên tổng số 5.500 cửa hàng), PVOIL cũng mở gần 1.000 cửa hàng, nâng mạng lưới lên gần 2.500 cửa hàng.
Để thị trường xăng dầu vận hành trơn tru, ông Thắng kiến nghị cần tách bạch các mức thương nhân đầu mối - thương nhân phân phối, đại lý và cửa hàng độc lập kê khai, hạch toán thuế.
Điều này nhằm đảm bảo thể hiện đúng, đủ các chi phí và lợi nhuận của từng khâu trong hệ thống của thương nhân đầu mối nhằm chống chuyển giá, trốn thuế.
Ông cũng đề nghị cơ quan nhà nước xử lý và công khai xử lý nội dung kết luận thanh tra cuối năm 2023 về việc thương nhân đầu mối mua bán lòng vòng, thu lợi bất chính.
Rà soát, thu hồi giấy phép của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối không đủ điều kiện để kiện toàn hệ thống cung ứng, phân phối xăng dầu cả nước.
Dẫn câu chuyện về chiết khấu bằng 0 tại nhiều thời điểm trong năm 2022, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc - cho rằng, theo quy định hiện hành, chi phí kinh doanh định mức trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu gồm khâu bán buôn và bán lẻ, nhưng không phân định rõ tỉ lệ phân chia là bao nhiêu.
Việc này dẫn tới thực tế doanh nghiệp đầu mối chia không đều, hạ mức chiết khấu của khâu bán lẻ xuống rất thấp, hoặc thậm chí bằng 0.
Các doanh nghiệp bán lẻ nói họ đã nhiều lần đấu tranh nhưng không đạt được kết quả. Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, ban hành hồi tháng 11.2023, cũng chưa giải quyết câu chuyện này.
Điểm bất cập khác trên thị trường xăng dầu hiện nay là tồn tại nhiều tầng nấc trung gian, như thương nhân phân phối, làm tăng chi phí lưu thông.
Hệ lụy được Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận công bố đầu tháng 1.2024, là thương nhân phân phối bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá.
Trong 5 năm (2017-2022), một số thương nhân đầu mối hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá khoảng 9.700 tỉ đồng. Việc này cũng dẫn đến nhiều hành vi mua bán trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ, theo Thanh tra Chính phủ.
Giảm bớt khâu trung gian thế nào?
Để giảm các bước trung gian này, theo các chuyên gia, cần quy định doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ không được mua bán qua lại với nhau.
Khi xây dựng Nghị định mới, một số chuyên gia cũng lưu ý tới điều hành giá xăng dầu, trong đó có quan điểm nên để doanh nghiệp được định giá bán lẻ, thị trường quyết định cung cầu. "Cơ chế điều hành giá xăng dầu cần theo cơ chế thị trường hơn", ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) - góp ý.
"Lâu nay chúng ta đã cố gắng quản lý vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa đảm bảo kìm giá thấp nên tại nhiều thời điểm doanh nghiệp lỗ, khó khăn dẫn đến đứt gãy nguồn cung cục bộ, không vận hành theo cơ chế thị trường. Khúc mắc này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy nguồn cung, nhiều doanh nghiệp găm giữ hàng, không bán.
Như vậy, tại Nghị định mới cần được nghiên cứu xây dựng các quy định làm sao để vừa đảm bảo được an ninh năng lượng vừa hài hoà được yếu tố kinh tế thị trường", ông Bảo nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận